Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Hà Nội: Rất khó để “xử” ô tô đỗ bừa bãi

Tạp Chí Giáo Dục

Buổi tối có vô vàn những xe đỗ xe tùy tiện.

Xử lí ô tô con đỗ sai qui định đang là khó khăn rất lớn của các quận trong việc thực hiện các quyết định 20 và 02 về quản lí lòng đường, hè phố.

Mua xe cứu hộ “cẩu” xe vi phạm

Tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy chiều 18/7, sau khi thông tin những chuyển biến của quận Đống Đa trong 17 ngày thực hiện quyết định 20 và 02, Chủ tịch quận này, ông Trần Đức Học cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn “mắc” trong thực tế. Theo ông, tại 12 tuyến phố cấm để xe của quận Đống Đa, đến nay các điểm trông giữ xe chỉ đáp ứng được 20% số lượng xe. “Người dân hỏi, cấm đỗ xe trên hè phố thì đỗ ở đâu, chúng tôi chưa trả lời được”, ông Học phân tích.

Các tuyến phố cấm tại quận Đống Đa có rất ít tuyến phố ngang nên ông Học cho biết, sẽ đề xuất cho trông xe ở một số điểm tại các tuyến phố này. Việc trông xe phải có tổ chức và cấp phường phải có trách nhiệm quản lí. Theo ông Học, đây là giải pháp tất yếu, bởi nếu không thực hiện như vậy mà cứ “dẹp” sẽ gây bức bối cho người dân.

Đất cho người đi bộ đã tăng lên rất nhiều. Chưa hết, tại các tuyến phố cấm, sẽ không cho bất kì ai đỗ xe, trong khi việc đi lại bằng xe ôm là nhu cầu có thật của những người bình dân. Hơn nữa, khi không cho xe ôm dừng xe trên hè phố, lực lượng này rút vào ngõ, dễ dẫn đến ách tắc ngõ. Vì thế, ông Học cho rằng, cần kẻ vạch trên hè phố để tạo chỗ đứng cho xe ôm, với điều kiện việc đi lại trên hè phố vẫn phải bảo đảm và lái xe ôm phải ngồi trên xe.

Một vấn đề không nhỏ cũng đang khiến cấp quận loay hoay chính là xử lí xe đỗ sai qui định trên lòng đường, trong khi lái xe đã bỏ đi đâu đó. Theo ông Học, giải pháp mạnh là dùng cẩu kéo về trụ sở của cơ quan chức năng để xử lí sau, nhưng do cẩu kéo của thành phố hiện có không nhiều nên khi được gọi, cẩu thường đến… chậm.

Giải pháp nhẹ hơn là cảnh sát giao thông hoặc thanh tra giao thông công chính có thể thực hiện tháo biển, nhưng chỉ đạo của Công an TP là hạn chế dùng biện pháp này, trong khi lực lượng Giao thông công chính lại quá mỏng. Vì vậy, quận Đống Đa đang phải tìm giải pháp khắc phục.

Tại buổi giao ban với lãnh đạo thành phố với các sở ngành, quận huyện chiều 18/7, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Nguyễn Quốc Hoa cũng cho biết, rất nhiều trường hợp xe ô tô đỗ sai qui định, khi được hỏi các chủ cửa hàng đều nói không biết. Chỉ đến khi CSGT, Thanh tra Giao thông công chính đến, những chiếc xe này mới chịu… chuyển động.

Từ thực tế này, ông Hoa cho rằng, cần phải có kiến nghị để các lực lượng khác (ngoài CSGT, GTCC) cũng được quyền xử lí xe ô tô đỗ tùy tiện trên đường. Ông Khoa cũng cho biết, hiện quận này chưa thể xử các xe này bằng biện pháp cẩu do thiếu phương tiện và tới đây, quận sẽ mua xe cứu hộ nhằm cẩu những xe ô tô vi phạm, chây ì về cơ quan có thẩm quyền xử lí.

“Chỉ mạnh” các điểm vi phạm là quận “khổ tâm”!

Trong 17 ngày ra quân thực hiện việc quản lí hè phố, lòng đường, quản lí hàng rong, các cơ quan chức năng đã xử lí hơn 16 ngàn trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1,4 tỉ đồng, tạm giữ 56 ô tô, 441 xe máy…

Bên cạnh những gì đã làm được, lãnh đạo các Sở Công thương, Sở Văn hóa thông tin cho rằng, vẫn còn rất nhiều vi phạm trên các tuyến phố cấm cũng như rất nhiều những lộn xộn tại các phố không cấm. Để minh chứng cho điều này, hàng loạt các địa điểm cụ thể đã được hai sở này chỉ tên, nêu rõ vi phạm.

Đáp lại, ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch quận Hai Bà Trưng cho rằng, quận của mình đã làm rất quyết liệt, nhưng đôi khi vẫn như đá ném ao bèo. Ông cũng nêu ra những khó khăn như lực lượng công an của quận thiếu nửa quân số, lực lượng tự quản chưa có qui định đầy đủ về chức năng.

Theo ông Tuấn, nếu các sở cứ “chỉ mạnh” các điểm vi phạm quá sẽ khiến các quận “khổ tâm”, “nhụt ý chí”. Ông khẳng định, tinh thần thực hiện vẫn phải đi lên, nhưng mức độ chuyển biến cũng phải dần dần, nhất là ở các tuyến phố chưa có trong danh mục.

Với các điểm cắt tóc, bán hoa trên hè phố, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự bố trí phù hợp để các lực lượng này không lấn chiếm hè phố, lòng đường. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Như Mai, PGĐ Sở Công Thương lại có ý kiến khác: “Quan điểm của Sở chúng tôi là dứt khoát không bố trí, phải có cửa hàng, cửa hiệu mới được cắt tóc, bán hoa”.

Bà Mai cho rằng, chỉ có sự tồn tại của người bơm xe trên hè phố là hợp lí, bởi theo bà, trong trường hợp người đi đường xịt lốp sẽ cần ngay đến người bơm xe và để đáp ứng thuận tiện, người bơm xe phải đứng sát lề đường.

Kim Tân (dantri.com.vn)

 

Bình luận (0)