Việt Nam là một đất nước không nhiều về tài nguyên, muốn phát triển phải dựa vào nền tảng con người. Đây là một định hướng đúng đắn và quan trọng, không những chỉ Việt Nam mà còn rất nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển.
Đa dạng tài liệu giảng dạy và học tập môn tiếng anh
Nguồn nhân lực là sức mạnh, đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của đất nước
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, yếu tố con người lại càng trở nên quan trọng hơn. Có một thực tế là trình độ nhân lực Việt Nam so với các quốc gia lân cận vẫn còn hạn chế. Có nhiều góc nhìn trong vấn đề này, nhưng một trong những điểm nổi bật dễ nhận thấy và đã được cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng, đó là trình độ ngoại ngữ.
Trước đây, việc dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam theo phương pháp một chiều, thiên về ngữ pháp và rập khuôn ở các lớp học. Phương pháp học thiên về việc truyền tải ngữ pháp mà ít có giao tiếp này đã gián tiếp hạn chế khả năng giao tiếp của người học, cũng như sự hứng thú trong lớp học. Rất nhiều thế hệ học sinh Việt Nam, thậm chí là giáo viên, không thể nói được tiếng Anh. Như Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nói: “Học ngoại ngữ mà không nói được là thất bại trong đào tạo”. Trong bức tranh hội nhập và toàn cầu hóa, việc này không chỉ còn được nhìn nhận ở việc thất bại trong đào tạo, mà còn gián tiếp hạn chế sự phát triển của đất nước.
Ý thức được điều này, chủ trương mở rộng và đa dạng hóa phương pháp dạy và học ngoại ngữ đã được triển khai, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, các tổ chức, cả tầm quốc gia và tư nhân. Cùng với những chính sách xã hội hóa giáo dục, chúng ta rõ ràng đã tạo ra một môi trường dạy và học ngoại ngữ đa dạng và năng động.
Trong những năm gần đây, rất nhiều trung tâm ngoại ngữ xuất hiện, mang lại cho giảng viên, giáo viên, học sinh cũng như các cơ quan quản lý những phương pháp, những tài liệu và hệ thống quản lý việc học ngoại ngữ mới nhất. Điều này đã tạo ra sự hứng thú, một động lực, cũng như các kết quả tích cực trong việc giảng dạy và học tập ngoại ngữ.
Sự cần thiết của việc đa dạng hóa phương pháp và tài liệu giảng dạy
Trong xã hội phát triển, nền kinh tế thị trường ngày một đem lại nhiều lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng và lĩnh vực giáo dục cũng không nằm ngoài dòng chảy. Mỗi quốc gia khác nhau có những mô hình, chiến lược phát triển giáo dục khác nhau, phù hợp với thế mạnh của mình.
Có thể thấy rằng, việc đa dạng hóa hệ thống, phương pháp, tài liệu trong giảng dạy và học tập là nền tảng căn bản, một điều vô cùng cần thiết. Càng đặc biệt hơn đối với việc dạy và học ngoại ngữ, để có được hiệu quả cao, đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố như: tâm sinh lý, giác quan, giáo trình/tài liệu, giáo cụ/môi trường lớp học và cuối cùng, đặc biệt là giáo viên. Giáo viên, bằng phương pháp sư phạm, sẽ khai thác tối đa giáo trình, giáo cụ, phần mềm hỗ trợ để có thể truyền tải nội dung tới học sinh một cách tốt nhất, dễ hiểu nhất.
Việc tiếp cận và học tập ngôn ngữ là khác nhau ở mỗi cá nhân, phụ thuộc vào tâm sinh lý, giác quan của riêng mình. Do vậy, để đạt hiệu quả cao nhất trong việc học ngoại ngữ, cần phải cố gắng phát huy tối đa khả năng học tập của của mỗi cá nhân thông qua các bài giảng, bài học trên giáo trình. Các giáo trình giảng dạy ngoại ngữ hiện đại, đều được thiết kế nhằm khai thác tối đa khả năng học viên ở mọi góc độ.
Tại Việt Nam hiện nay, ở bất kỳ cấp độ nào, giáo viên cũng như học sinh có cơ hội tiếp cận với rất nhiều loại giáo trình dạy và học ngoại ngữ khác nhau. Điều này không những tạo ra sự đa dạng trong việc lựa chọn, tạo động lực cho giáo viên, học sinh trong giảng dạy và học tập, mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh, sáng tạo giữa các nhà biên soạn, giới chuyên môn cũng như các nhà xuất bản, thôi thúc việc đầu tư nghiên cứu, kỹ lượng, nghiêm túc để có thể tạo ra những sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh, tạo chỗ đứng vững chắc trong tâm trí học viên cũng như giáo viên.
Hoàng Nam
Bình luận (0)