Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bí thư Đinh La Thăng: Đầu tư cho ĐHQG là đầu tư cho sự phát triển của TP

Tạp Chí Giáo Dục

Bí thư Đinh La Thăng và Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thăm cơ sở vật chất ĐHQG TP chiều 15-3

Trong hai ngày 14 và 15-3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã làm việc với Học viện Cán bộ (HVCB) TP, ĐH Tôn Đức Thắng (TĐT) và ĐH Quốc gia (QG) TP. Tại buổi làm việc với Ban Giám đốc ĐHQG TP, ông Thăng khẳng định, đầu tư cho ĐHQG là đầu tư cho sự phát triển của TP.

Đầu tư cho ĐHQG là đầu tư cho sự phát triển của TP

Chiều 15-3, lãnh đạo TP đã làm việc với Ban Giám đốc ĐHQG TP. Tại đây, PGS.TS Phan Thanh Bình – Giám đốc ĐHQG TP – kiến nghị: “Hiện ĐHQG TP đã xây dựng được 30% diện tích trong quy hoạch và có trên 35.000 sinh viên đang theo học với khu ký túc xá hiện đại, đồng bộ nhất Việt Nam. Nhưng hiện còn 38% diện tích vướng đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, do ĐHQG TP nằm ở khu giáp ranh rất phức tạp về an ninh trật tự; hệ thống giao thông, trong đó hoạt động xe buýt rất khó khăn; khu chợ tự phát… mong muốn TP hỗ trợ giải quyết những khó khăn cho đơn vị”.

Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP – cho rằng: Với lợi thế có một đội ngũ tri thức lớn, chất lượng cao thì không có trở ngại nào không thể tháo gỡ. Việc tháo gỡ khó khăn, trong đó có giải phóng mặt bằng sẽ sớm tìm ra giải pháp tối ưu… Đồng thời, ông mong muốn, cùng với đội ngũ tri thức của TP, đội ngũ giảng viên của ĐHQG TP nên có nhiều đề tài nghiên cứu mang tính thực tiễn, nhất là ứng dụng vào việc chống ngập nước, giảm kẹt xe…

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Sau hơn 20 năm đầu tư, ĐHQG vẫn còn rất manh mún, có nhiều khu vực xuống cấp. Rõ ràng sự đầu tư chưa xứng với tầm vóc và mục tiêu đề ra. Để ĐHQG TP thực sự là nguồn lực, chìa khóa cho sự phát triển của TP, khu vực phía Nam và cả nước thì Nhà nước phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, không thể vì vướng thủ tục mà mọi kế hoạch bị đình trệ. Chúng ta chưa thực sự năng động, sáng tạo trong cách làm, còn ỷ lại…”.

Theo ông Thăng, đầu tư cho ĐHQG chính là đầu tư cho sự phát triển của TP. Tuy nhiên, theo ông thì không nên cứ trông chờ nguồn vốn kích cầu mà cần phải kêu gọi xã hội hóa. “Nhà nước có thể 40-50%, còn lại là doanh nghiệp, chắc chắn việc xây dựng cơ sở vật chất… sẽ làm được”, ông Thăng nói.

Đào tạo nhân lực phải gắn với nhu cầu phát triển của TP

Theo báo cáo, qua 50 năm hình thành và phát triển, HVCB TP đã cung cấp và bổ sung nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý khá dồi dào cho hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, các đoàn thể xã hội không chỉ riêng cho TP mà còn cho các tỉnh, thành phía Nam.

HVCB TP cũng là trường đầu tiên trong hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000, ISO 9001: 2008. Đến nay, hệ thống quản lý chất lượng tiếp tục được thay đổi, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý ở cấp học viện…

NGƯT, PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Hiệu trưởng – cho biết: “Trong 5 năm gần đây, HVCB TP đã tổ chức đào tạo 717 lớp và khóa học với hơn 65.000 học viên. Thời gian tiếp theo, học viện sẽ đẩy mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đóng góp tích cực vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đội ngũ cán bộ, viên chức vừa hồng vừa chuyên…”.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Thực tiễn cho thấy, mỗi thành tựu của TP suốt nửa thế kỷ qua đều có sự đóng góp của HVCB TP bằng việc đào tạo ra một đội ngũ cán bộ vừa có phẩm chất chính trị vững vàng, vừa năng động, sáng tạo và trung thành với các lợi ích dân tộc. Tôi tin tưởng rằng, với đội ngũ các thầy cô giáo yêu nghề, có trách nhiệm, HVCB TP sẽ tiếp tục có những bước phát triển mang tính đột phá. Tất cả chúng ta cùng có trách nhiệm xây dựng HVCB TP trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học lý luận chính trị và khoa học lãnh đạo – quản lý hiện đại; cái nôi đào tạo cán bộ có chất lượng cao của TP, khu vực phía Nam và của cả nước”. 

Theo đó, đồng chí Bí thư đề nghị, HVCB TP cần nhạy bén nắm bắt những đòi hỏi từ thực tiễn về nhu cầu nhân lực, gắn với phát triển nhanh và bền vững của TP, cũng như nhu cầu đổi mới các chính sách công gắn với năng lực cán bộ các cấp. Từ đó, tìm mọi cách nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao từ thực tiễn cuộc sống.

Nâng cao mô hình khởi nghiệp cho sinh viên

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng thăm Khoa Thiết kế thời trang – ĐH TDT

Báo cáo cùng lãnh đạo Thành ủy, TS. Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng Trường ĐH TĐT – cho biết: Sau 19 năm hoạt động, đặc biệt, trong gần 8 năm thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, ĐH TĐT đã có bước phát triển vượt bậc. Nhà trường đã và đang đào tạo 25.000 sinh viên và gần 500 học viên sau ĐH. Nhờ chất lượng đào tạo tốt, tỉ lệ sinh viên có việc làm trong 12 tháng kể từ ngày tốt nghiệp đạt trên 95%. Hiện ĐH TĐT có gần 1.200 cán bộ – giảng viên và công nhân viên (trong đó gần 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ). Đặc biệt, trường đang hợp tác với khoảng 70 trường ĐH trên thế giới để triển khai 27 chương trình đào tạo từ ĐH đến tiến sĩ. Cho đến thời điểm này, TĐT là trường ĐH đầu tiên và duy nhất ở VN sở hữu sáng chế tại Mỹ… 

“Mục tiêu của ĐH TĐT trong 7 năm nữa sẽ trở thành trường ĐH hàng đầu Việt Nam về chất lượng đào tạo và trong 20 năm tới lọt vào top 500 trường ĐH hàng đầu thế giới. Để làm được việc này, TP cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp thêm đất để mở rộng, hoàn thiện cơ sở vật chất”, ông Danh trình bày.

Về vấn đề, đồng chí Bí thư khẳng định: “TP sẽ tạo điều kiện cấp đất theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ khi đến thăm TĐT đầu năm 2015. Riêng đề án phát triển ĐH TĐT sau 20 năm nữa lọt top 500 của thế giới, nhà trường cần có chương trình hoạt động, đề xuất cụ thể. Trong đó chú ý trường làm gì, TP làm gì, Tổng LĐLĐVN làm gì… để đạt mục tiêu trên”.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

 

Bình luận (0)