Chọn làm thêm không theo chuyên môn, chuyên ngành đang theo học để tích lũy kinh nghiệm, nhiều sinh viên chọn “vui chơi” với niềm đam mê riêng mà vẫn kiếm được thu nhập trong đời sinh viên.
Hoài Vũ bên khu vườn hái ra tiền của mình – Ảnh: CẨM TIÊN |
Không chỉ vậy, họ còn tìm được những điều thi vị cho cuộc sống.
Từ trải nghiệm…
Là dân công nghệ chính hiệu nhưng Lê Xuân Thanh (khoa khoa học máy tính Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM) lại có thêm tài thổi sáo. Ngoài lúc ôm bàn phím, thời gian rảnh rỗi Thanh dành để luyện tập những bài sáo mới. Đặc biệt, cả bộ sáo trúc các loại lớn nhỏ Thanh đang sở hữu đều do bạn tự tay làm.
Mỗi sáng thứ bảy Thanh đến công viên Lê Thị Riêng (Q.10) dạy sáo cho các bạn trẻ có cùng sở thích. Được trao đổi kinh nghiệm cùng những bè bạn, anh chị về chủ đề sáo là niềm vui bất tận của Thanh, lại còn nhận thêm được mối làm sáo. “Dù thu nhập không cao, sáo có khi chỉ bán vài cây/tháng nhưng được chia sẻ niềm đam mê của mình với nhiều người là đã vui rồi” – Thanh nói.
Trong khi đó, Nguyễn Trường Kha (ĐH Kinh tế TP.HCM) và Trịnh Minh Hiếu (ĐH Hoa Sen) lại cùng niềm đam mê với công tác Đoàn. Hai bạn hiện là cán bộ Đoàn tại Q.2 và Q.9.
“Do mình thích công tác Đoàn nên tranh thủ thời gian tham gia ngay khi trống thời gian. Tuy hơi áp lực một chút nhưng từ việc tham gia tổ chức sân chơi, công tác chuẩn bị các chương trình, mình học được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng” – Minh Hiếu chia sẻ.
Trường Kha thì tâm sự: “Làm công tác Đoàn được chăm lo, hỗ trợ người khác không chỉ làm bản thân thấy vui mà còn ý nghĩa. Nhiều lúc chính mình cười lại không vui bằng khiến người khác cười”. Chính vì vậy dù có khi “chi” 20 giờ/tuần trong khi nhận lại trung bình 1,5 triệu đồng/tháng, cả Kha và Hiếu đều nói là “đủ” – dĩ nhiên chẳng phải chỉ là chuyện tiền bạc.
Trong khi đó cô sinh viên Dương Yến Nhi (khoa quản trị nhà hàng & dịch vụ ăn uống, ĐH Hoa Sen) lại tìm được niềm đam mê của mình trong một lần nhận dẫn chương trình. Ở mỗi chương trình tham gia, Nhi quen biết thêm nhiều người, góp nhặt kinh nghiệm cho bản thân từ chính những lĩnh vực tưởng chừng không hề liên quan đến chuyên ngành Nhi đang theo học.
“Những lần dẫn talkshow được nói chuyện với các chuyên gia, các CEO… làm mình học hỏi nhiều về câu chuyện thành công của họ. Tư duy thay đổi và bản thân cũng khác đi nhiều” – Nhi kể.
Tránh những giờ học khô khan và nặng nề trong chương trình chính khóa, Huỳnh Việt Hiếu Minh (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM) tạo lập cuộc sống tươi mới cho riêng mình hơn bằng việc làm vũ công các chương trình nghệ thuật lớn nhỏ và dạy nhảy, múa cho các bạn sinh viên hay các cơ quan có nhu cầu thi văn nghệ.
“Khi tạm gác lại những giờ học, các hoạt động này là một sân chơi để giảm căng thẳng, thư giãn. Bên cạnh đó, nhảy múa còn là cách tập thể dục cho cơ thể nhanh nhẹn, tăng cường sức khỏe” – Minh chia sẻ niềm đam mê của mình.
Đến rủng rỉnh tiền túi
Nhiều công việc tưởng chừng chỉ là vui chơi nhưng cũng giúp sinh viên kiếm thêm một khoản thu nhập kha khá, đủ trang trải cuộc sống sinh viên.
Từ sở thích trồng cây khi còn nhỏ, Đặng Hoài Vũ (khoa mỹ thuật công nghiệp ĐH Văn Lang) đã đem sở thích của mình vào cả đồ án tốt nghiệp – Nhận diện một thương hiệu cây trồng và hạt giống. Sau khi đồ án hoàn thành, mọi người rất quan tâm và muốn mua những loại cây Vũ trồng.
Phần lớn là những cây kích thước nhỏ như các loại bạc hà, sen đá, xương rồng… được bàn tay cậu sinh viên mỹ thuật hóa phép thành những vật trang trí rất bắt mắt. Khu vườn nhỏ “trồng cho vui” giờ đây lại có thể giúp Vũ kiếm được trung bình 1,5 triệu đồng/tuần.
Nhờ giọng hát hay có tiếng ở trường cùng kinh nghiệm “chạy show” từ cấp I, Nguyễn Thị Nhật Anh (khoa báo chí và truyền thông ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM) được nhiều bạn bè “chỉ điểm” các sự kiện, phòng trà, quán cà phê… để cô có dịp khoe giọng của mình. Những khi cao điểm mỗi tuần Nhật Anh nhận 2 – 3 show, với mỗi show 300.000 đồng đến 1,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, Nhật Anh cho biết phải dành khá nhiều thời gian cho việc tập luyện, ráp bài cùng ban nhạc, vừa phải lo giữ giọng vừa phải hoàn thành tốt việc học chính khóa. “Bù lại do đi nhiều nên mình quen được rất nhiều người, sẽ có ích cho công việc tương lai. Nhiều người trong số đó đã trở thành nhân vật trong các chương trình của mình” – Nhật Anh khoe.
Đi làm thêm: được nhiều hơn mất “Theo quan sát, kinh nghiệm thực tế, những bạn sinh viên vừa học vừa làm thêm càng có cơ hội nghề nghiệp cao. Thậm chí những bạn chưa ra trường nhưng đã có các đơn vị, tổ chức, công ty mời về làm việc” – cô Trương Thị Bích Phượng, giảng viên kỹ năng sống Trường ĐH Hutech, nói. Theo cô, dù đúng hay trái ngành đi nữa thì đi làm thêm được nhiều hơn mất. Trước hết là cho các bạn kinh nghiệm, ít ra là kỹ năng ứng xử giao tiếp với mọi người trong môi trường công việc. Có những bạn từ nhút nhát trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt, bản lĩnh sau khi làm thêm. Thứ hai, nếu có cơ hội làm thêm với chính công việc mà ngành học mình đang theo thì tiện cả đôi đường. “Cuộc đời sinh viên không giống như thời cấp II, cấp III, sinh viên chỉ biết học, không tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ đội nhóm và chưa một lần dấn thân, thử thách mình với một công việc làm thêm, e rằng bạn vẫn chưa xài hết cơ hội, vận dụng hết khả năng của mình” – cô Phượng nói. |
CẨM TIÊN/TTO
Bình luận (0)