Trạm cân xe lưu động của Cần Thơ bị bỏ không trong bến xe mới Cần Thơ, TP Cần Thơ – Ảnh: LÊ DÂN |
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN tại thời điểm kết thúc tháng 11-2016, có tới 23 trạm cân lưu động trên cả nước ngưng hoạt động. Trong đó, nhiều nhất là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang…
Phó mặc trạm cân cho thanh tra giao thông
Tại khu vực Tây nguyên và Đông Nam bộ, nếu tính cùng một trục đường quốc lộ 14 – quốc lộ 13 từ Tây nguyên về TP.HCM thì chỉ còn duy nhất trạm cân lưu động của Bình Phước, trạm cân của các tỉnh nối tiếp nhau như Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương “biến mất”.
Theo tìm hiểu, trước đây khi trang bị trạm cân xe lưu động cho các địa phương, Bộ GTVT ký với UBND mỗi tỉnh một quy chế phối hợp, trong đó chỉ đạo rõ mỗi trạm cân đều có sự tham gia liên ngành gồm: thanh tra giao thông (TTGT), cảnh sát giao thông (CSGT), kiểm soát quân sự và lực lượng hỗ trợ an ninh trật tự của địa phương.
Nhờ vậy mà các trạm cân có đủ lực lượng để có thể hoạt động liên tục 24/24 giờ với đầy đủ các chức năng cần thiết. Kể từ khi lực lượng CSGT rút khỏi trạm cân thì rất nhiều trạm cân rơi vào cảnh “khóc dở mếu dở”.
Một TTGT cho biết với đặc thù phải hoạt động liên tục cả ngày đêm, mỗi trạm cân lưu động cần ít nhất khoảng 20 người mới có thể đảm bảo chia làm 3 ca. Hiện mỗi tỉnh nếu tính toàn bộ TTGT cũng chỉ có hơn 20 người.
Nếu cứ phó mặc trạm cân lưu động cho TTGT thì họ không biết lấy đâu ra người để bố trí. Chức năng của TTGT lại có hạn, thiếu sự phối hợp của CSGT tại trạm cân lưu động thì rất khó làm việc.
Bỏ trống quốc lộ
Tại một số tỉnh, sở dĩ trạm cân lưu động còn tiếp tục hoạt động được là do sau khi liên bộ Công an – GTVT kết thúc kế hoạch phối hợp thì chủ tịch UBND tỉnh có chỉ đạo CSGT tiếp tục giữ lực lượng tại trạm cân.
Điển hình như tại Bình Phước, do đây là tỉnh có quốc lộ 14 là đường huyết mạch từ Tây nguyên về TP.HCM, khi công an tỉnh xin ý kiến rút lực lượng CSGT, chủ tịch UBND tỉnh quyết định vẫn giữ lực lượng này tại trạm cân.
Kết quả là công tác kiểm soát xe quá tải của tỉnh này vẫn được thực hiện khá nghiêm túc, UBND tỉnh còn trang bị thêm một bàn cân điện tử để dự phòng cho trạm cân lưu động.
Tổng cục Đường bộ cũng nêu rõ trong tháng 1-2017, một số địa phương vẫn chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp thực hiện cân xe.
Qua theo dõi, nhiều địa phương đang duy trì hoạt động tại các trạm cân lưu động và có kết quả tốt là: Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Bình, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai…
Tuy nhiên, sau khi rà soát kế hoạch kiểm soát tải trọng xe của các địa phương do UBND tỉnh hoặc sở GTVT gửi về Tổng cục Đường bộ, có nhiều địa phương chỉ tổ chức trạm kiểm soát tải trọng trên đường địa phương và quốc lộ ủy thác, không bố trí trạm cân xe hoạt động trên quốc lộ do Cục Quản lý đường bộ quản lý. Đặc biệt nhiều địa phương có quốc lộ 1 đi qua đã rút trạm cân lưu động, khiến quốc lộ 1 bị bỏ ngỏ.
Tổng cục Đường bộ đề nghị các sở GTVT sắp xếp, bố trí lại lực lượng, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng công an đưa các trạm cân lưu động hoạt động trở lại.
Địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch mới
Theo ông Đặng Văn Chung, phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ VN, thời gian qua nhiều trạm cân lưu động do Bộ GTVT trang bị cho các địa phương đến kỳ kiểm định, phải mang đi kiểm định ở Hà Nội, ngoài ra còn có một số trạm cân bị sự cố phải sửa chữa.
Cho nên có địa phương nghỉ hoạt động trạm cân trong thời gian bảo dưỡng, kiểm định nhưng cũng có địa phương dùng cân xách tay để duy trì kiểm soát xe quá tải.
Về việc lực lượng CSGT rút khỏi trạm cân, ông Đặng Văn Chung giải thích là sau khi tổng kết kế hoạch liên ngành về phối hợp kiểm soát, xử lý chở hàng quá tải, Bộ GTVT và Bộ Công an thống nhất dừng phối hợp của lực lượng CSGT tại trạm cân vào tháng 9-2016.
Từ đó đến nay, một số địa phương chủ động xây dựng kế hoạch mới để thực hiện, có địa phương yêu cầu CSGT hoặc cảnh sát trật tự tham gia trạm cân, cũng có một số địa phương đang chờ xây dựng kế hoạch mới.
“Trong thời gian chưa có cảnh sát thì TTGT duy trì trạm cân. TTGT vẫn có thẩm quyền dừng xe có dấu hiệu vi phạm quá tải để xử lý theo quy định” – ông Chung nói.
Liên quan đến một số địa phương bỏ trống kiểm soát xe quá tải trên tuyến quốc lộ, ông Chung cho biết sau khi CSGT rút đi, có địa phương vin vào các văn bản liên quan cho rằng thanh tra của sở GTVT không được hoạt động trên quốc lộ nên dừng hoạt động trạm cân trên quốc lộ khiến nguy cơ xe quá tải tái xuất.
Về phương hướng hoạt động của các trạm cân xe trong thời gian tới, ông Chung nói theo chỉ thị 32 của Thủ tướng ban hành tháng 11-2016, Thủ tướng giao chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải tham gia giao thông trên địa bàn. UBND các tỉnh, thành phố phải xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm tải trọng trên địa bàn, trong đó có phân công và xác định trách nhiệm cụ thể của các lực lượng theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Cần có CSGT tham gia Theo luật sư Thái Văn Chung – phó chủ nhiệm CLB Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp TP.HCM, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách nhất quán và ổn định mới có thể mang lại hiệu quả thực sự cho các trạm cân lưu động. Ông Chung cho rằng mới chỉ sau 2 năm mà các thiết bị cân tiền tỉ bị ngưng hoạt động là một sự lãng phí lớn. |
Công an kêu tốn kém, mất nhiều nhân lực Theo Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, từ ngày không còn lực lượng phối hợp của Công an Đắk Lắk, việc kiểm soát tải trọng xe trạm cân gặp rất nhiều khó khăn, kém hiệu quả. Chiếc xe cân lưu động đắt tiền chịu cảnh bỏ không nửa năm nay. Nhân sự phục vụ trạm cân cũng không có việc làm, ăn rồi ngồi không tại trụ sở. TTGT Đắk Lắk cho rằng việc công an không tham gia khiến nhiều tài xế vi phạm có thái độ liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng, trong khi quyền hạn của TTGT có hạn, rất khó để xử lý các trường hợp phức tạp. (Thái Bá Dũng) |
BÁ SƠN – TUẤN PHÙNG (TTO)
Bình luận (0)