Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tăng chỉ tiêu vì… nhiều thí sinh đăng ký!

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều trường ĐH điều chỉnh tăng chỉ tiêu các ngành nhiều thí sinh đăng ký, giảm chỉ tiêu ngành ít hồ sơ, dù đã công bố chỉ tiêu trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước khi kỳ thi THPT diễn ra.

Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học tại Trường THPT Gia Định (TP.HCM) /// Ảnh: Ngọc Dương

Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học tại Trường THPT Gia Định (TP.HCM). ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Điều ngạc nhiên, chủ trương này lại được Bộ GD-ĐT cho phép các trường triển khai trong mùa tuyển sinh năm nay.
Chuyển từ ngành ít sang ngành nhiều thí sinh
Ngày 30.6, Bộ GD-ĐT ban hành công văn hướng dẫn triển khai công tác xét tuyển một cách bất nhất. Theo đó, Bộ yêu cầu các trường không được điều chỉnh nội dung đề án tuyển sinh đã công bố. Tuy nhiên, trong công văn này Bộ lại nêu rõ trong trường hợp cần thiết vẫn có thể điều chỉnh hoặc bổ sung một số chi tiết nhỏ nhưng không làm ảnh hưởng quyền lợi thí sinh (TS) đã đăng ký xét tuyển vào trường!
Một số trường lập tức ra thông báo điều chỉnh đề án tuyển sinh gửi lên Bộ và được công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh trong nửa đầu tháng 7. Phần lớn nội dung điều chỉnh là chỉ tiêu tuyển sinh các ngành. Đáng nói, ngay trong thông báo, các trường đều nêu rõ điều chỉnh này xuất phát từ tình hình thực tế TS đã đăng ký xét tuyển vào trường trước đó. Cụ thể là bổ sung chỉ tiêu cho ngành mới, điều chỉnh chỉ tiêu dôi dư từ các ngành TS đăng ký thấp hơn chỉ tiêu dự kiến cho ngành gần trong nhóm có TS đăng ký đông.
Chẳng hạn, Trường ĐH Mỏ – Địa chất điều chỉnh 90 chỉ tiêu trong 6 ngành và nhóm ngành. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long thông báo điều chỉnh chỉ tiêu của 9 trong 13 ngành đào tạo. Trong đó, việc tăng, giảm chỉ tiêu các ngành có sự chênh lệch lớn về số lượng.
Vẫn được điều chỉnh chế độ ưu tiên
Theo phản ánh của nhiều địa phương, có TS chưa điều chỉnh thông tin liên quan tới đối tượng ưu tiên.
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết mặc dù các TS đã điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển nhưng khi phát hiện bị nhầm chế độ ưu tiên mà chưa điều chỉnh thì Bộ vẫn chỉ đạo các sở GD-ĐT xem xét cho điều chỉnh.
Tuy nhiên theo bà Phụng, chế độ ưu tiên còn được kiểm tra chặt chẽ khi nhập học và trong quá trình học. Nếu người học không chứng minh được quyền ưu tiên theo quy định thì trường sẽ xem xét điểm thực của TS mới cho nhập học.
Quý Hiên

Việc điều chỉnh chỉ tiêu cũng diễn ra tương tự với một số trường như: Xây dựng Miền Tây, Tài chính – Marketing, Khoa học tự nhiên Hà Nội, Tài chính – Quản trị kinh doanh…

Đi ngược các quy định trước ?
Thông báo điều chỉnh chỉ tiêu ở thời điểm sau khi TS đã đăng ký xét tuyển, đang trong quá trình thực hiện điều chỉnh nguyện vọng gây bất ngờ với nhiều người. Bởi như chính quan điểm của Bộ được nêu trong công văn ngày 30.6 thì đề án tuyển sinh đã công bố là căn cứ để TS đăng ký dự thi và xét tuyển đợt 1 vào các trường. Trong đó, chỉ tiêu là cơ sở quan trọng TS cần nắm khi đăng ký xét tuyển. Dựa trên số TS đăng ký vào so với chỉ tiêu, trường sẽ xác định điểm trúng tuyển để xét TS từ trên xuống dưới. Vì vậy, việc các trường ra thông báo điều chỉnh sau khi TS thực hiện điều chỉnh nguyện vọng 3 ngày (ngày 15.7 TS được điều chỉnh nguyện vọng, 18.7 các trường ra thông báo) sẽ tác động lớn tới việc đăng ký xét tuyển của TS.
Không chỉ vậy, một số ý kiến còn cho rằng cho phép các trường điều chỉnh chỉ tiêu trong giai đoạn này là đi ngược quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ ban hành trước đó. Trong đó, chỉ tiêu phải được xác định dựa trên năng lực thực tế của đơn vị với từng nhóm ngành đào tạo cụ thể (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên). Ở tầm nhìn xa hơn, chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu này còn tác động xấu đến thị trường lao động. Bởi thay vì phải xác định chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào căn cứ trên nhu cầu lao động thực tế của xã hội thì việc tăng, giảm chỉ tiêu chỉ đơn thuần dựa vào nhu cầu người học.
Trao đổi vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết nguyên tắc chung việc điều chỉnh chỉ tiêu phải phù hợp các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng và không được làm ảnh hưởng đến các TS đã đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, điều này càng không thể, vì điều chỉnh chỉ tiêu trong thời điểm xét tuyển chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến các TS đã đăng ký xét tuyển.
Cũng theo bà Phụng: “Thông tư 32/2015 của Bộ quy định các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên năng lực đảm bảo chất lượng của các nhóm ngành, văn bản hướng dẫn công tác xét tuyển cũng dựa theo nguyên tắc này, tức chỉ cho phép điều chỉnh chỉ tiêu các ngành trong cùng nhóm ngành”.
Tuy nhiên, thực tế đề án tuyển sinh của một số trường đã thông báo điều chỉnh chỉ tiêu các ngành được thay đổi không cùng một nhóm ngành.
Nếu chiếu theo Thông tư 32 thì cơ sở để xác định chỉ tiêu dựa trên 7 khối ngành. Thực tế có những đề án tuyển sinh được điều chỉnh chỉ tiêu không bù trừ nhau giữa các ngành trong cùng khối ngành. Chẳng hạn đề án của Trường ĐH Xây dựng Miền Tây tăng 10 chỉ tiêu ngành kiến trúc (khối ngành thứ V), 10 chỉ tiêu ngành kế toán (khối ngành III), trong khi đó lại giảm mỗi ngành 5 chỉ tiêu với các ngành thuộc khối ngành V: quy hoạch vùng và đô thị, kỹ thuật giao thông, kỹ thuật môi trường… Sự điều chỉnh này rõ ràng đã không tuân thủ đúng quy định trên.
Như vậy, với việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ đơn thuần dựa vào lựa chọn người học chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ quả. Điều này không chỉ tác động đến chất lượng đào tạo mà còn góp phần tăng thêm số sinh viên ra trường không tìm được việc làm do dư thừa nhân lực ở một số ngành nghề hiện nay.

Hà Ánh/TNO

Bình luận (0)