Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Xin cho các con niềm vui mỗi ngày đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

Được đến trường, với con trẻ, là niềm vui, hạnh phúc. Cha mẹ, thầy cô đừng vì điều gì mà làm mất đi niềm vui ấy của con trẻ.

Học ở trường cả ngày là quá đủ

Ngày 27/8, Gia Huy chính thức bước vào ngày học đầu tiên của năm lớp Một tại một ngôi trường tiểu học ở Q.7 (TP.HCM). Cậu bé háo hức khi mặc trên mình bộ đồng phục mới, trông ra dáng hẳn. 

Xin cho cac con niem vui moi ngay den truong
Hãy để cho trẻ mỗi ngày đến trường là một niềm vui

Để chuẩn bị cho con vào lớp Một, chị Bích Hạnh đã mua sắm quần áo, sách vở, cặp sách từ đầu mùa hè. Có lẽ, không khí rộn ràng của gia đình đã gieo vào lòng cậu bé phần nào sự quan trọng lẫn háo hức của việc đến trường. Sáng ngày đi học, Gia Huy thức dậy sớm, thay bộ quần áo mới, đeo cặp và hối thúc mẹ. Thấy vậy, chị Hạnh rất vui. Nhưng niềm vui nhanh chóng được thay bằng nỗi lo.

Ngày thứ ba đi học về, Huy khoe với mẹ quyển tập có dòng chữ dặn dò của cô giáo. Sáu cái gạch đầu dòng là sáu nội dung cô giáo yêu cầu Gia Huy làm ở nhà, bao gồm việc rèn chữ, ôn bài cũ và xem trước bài mới. Cậu bé ngoan ngoãn mở vở ra. Trên trang giấy trắng có nét chữ “e”, “b” của cô giáo. Huy tự giác ngồi viết bài trong khi bộ đồng phục vẫn còn trên người.

Chị Hạnh cho biết, bé lớn của chị năm nay vào lớp Chín và chị đã quen với việc con đến trường cùng chiếc cặp nặng oằn vai với đủ loại bài tập về nhà từ hồi còn học tiểu học. “Suốt một ngày căng thẳng với công việc ở công ty, nên khi về nhà, tôi chỉ muốn lo cơm nước cho gia đình, thời gian còn lại nghỉ ngơi và trò chuyện với các con. Nhưng thực tế là đêm nào tôi cũng phải ngồi với con đến 10g đêm để giải quyết bài vở ở trường”.

Còn đối với cậu nhóc, chị nghĩ rằng những ngày đầu tiên nên là những ngày con làm quen với trường học, thầy cô, bạn bè mới, học những nền nếp mới. “Tuổi con vui chơi là chính, học ở trường cả ngày là quá đủ. Nếu còn mang bài tập về nhà thì con làm gì cho hết hai buổi ở trường. Chưa kể, mới vào lớp Một con đã biết gì mà xem trước bài. Thực chất của việc “xem trước bài” là học trước bài mới”, chị ấm ức. 

Hoang mang trước nhận xét của cô giáo

Cũng có con vào lớp Một, chị Tuyết Trinh chia sẻ rằng, chị rất hoang mang sau khi trao đổi trực tiếp với cô giáo chủ nhiệm của con mình. Con chị mới học được hai tuần, nhưng cô giáo phàn nàn rằng, cháu hay lo ra, ngồi học cứ ngó ngửa ngó nghiêng, không tập trung chú ý khi cô giảng bài. Biết con mình hiếu động, ham chơi, lại được tạo thói quen tự do đi lại trong lớp ở ngôi trường cũ, chưa quen với nền nếp mới, nên chị đã giải thích và mong cô giáo thông cảm. Nhưng cô có vẻ không đồng ý với suy nghĩ của chị. Cô “phán”: “Bé phát triển chậm hơn so với tuổi, mẹ nên cho con đi khám tâm lý”. 

Ý kiến về trường hợp này, cô Diễm Thúy, một giáo viên tiểu học cho hay: đối với học sinh lớp Một, khả năng tập trung cao độ nhất của các em trung bình chỉ từ 10 đến 15 phút cho một tiết học dài 35 phút. Do đó, nếu không phải là tiết dự giờ hay dạy mẫu, cô giáo sẽ dạy những gì trọng tâm nhất của môn học trong khoảng thời gian “vàng” đó.

Nếu là giáo viên chuyên dạy lớp Một và có kinh nghiệm, cô sẽ có cách “thu phục” các bé tập trung học trong lúc này, bằng nhiều hình thức, như chơi trò chơi, khuyến khích có thưởng… để các bé hào hứng tiếp thu bài. Với kinh nghiệm hơn mười năm dạy lớp Một, cô Thúy chia sẻ: “Với lớp đầu cấp, giáo viên thường phải thật kiên nhẫn. Chỉ mới hai tuần mà cô giáo đã nhận xét học sinh “phát triển chậm, nên cho đi khám tâm lý” là có phần chủ quan”.

Ở lứa tuổi của các em, các em chỉ thích đến những nơi mình được yêu thương. Nhưng việc “dán nhãn” học sinh như vậy vô tình khiến các em cảm nhận rằng mình bị cô giáo “chối từ”. Cho nên, việc đưa ra lời nhận xét học sinh cũng là một phần kỹ năng của mỗi giáo viên. Nó đòi hỏi phải thật sự cân nhắc để tránh làm tổn thương học trò. 

Lớp Một là bước ngoặt đầu đời, học sinh rất cần có cảm giác thích học, yêu thích giáo viên và trường lớp của mình để có được một nền tảng tốt cho cả hành trình học tập về sau. Vì vậy, rất mong các thầy cô hãy có cách để lại ấn tượng thật đẹp trong học sinh, để mỗi ngày đến trường của các em không trở nên trĩu nặng như chúng ta đã thấy. 

Ngày 30/8, UBND TP.HCM đã ra chỉ thị về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục năm học 2018-2019 trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT TP.HCM phải thực hiện một số nhiệm vụ mới, trong đó, chú trọng giảm tải chương trình nhằm khắc phục tình trạng “quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành” cho học sinh. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cũng phải đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, đạo đức của học sinh, sinh viên theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo…

Yên Đan/ PNO

Bình luận (0)