Sáng 24.11, Ban giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn (TP.HCM) đã làm lễ mừng đầy tháng cho "nàng" hươu cao cổ con sinh đúng ngày 20.10, sau thời gian bố mẹ được nhập về từ Thái Lan cách đây 4 năm.
"Cả nhà thương nhau" của hươu cao cổ sáng 24.11
Một nhân viên của Thảo Cầm viên tiết lộ: “Sau khi bầu bì khoảng 15 tháng và trải qua cơn chuyển dạ kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ thì trưa ngày 20.10, hươu cao cổ mẹ đã sinh hạ một bé hươu cao cổ cái nặng khoảng 40 kg. Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ nữa, sau nhiều lần ngã lăn quay trên nền cỏ, bé hươu cao cổ mới chập chững những bước đi đầu tiên. Vì là lứa con đầu, nên có lẽ hươu cao cổ mẹ cũng chưa biết cách chăm sóc con ngay nên "chị ấy" có vẻ né tránh mỗi khi "bé con" tới gần tìm bú. Phải đến gần 2 ngày sau, hươu cao cổ mẹ mới quen với việc chăm sóc và nuôi con của mình”.
Hai vợ chồng hươu cao cổ được nhập về từ Thái Lan
Cả hai vợ chồng hươu cao cổ lúc nào cũng bên nhau
Thức ăn ưa thích là cà rốt
Bé hươu con thấy đông người nên quất quýt bên mẹ
Thỉnh thoảng hươu cao cổ con lại đứng làm dáng một mình
Gia đình hạnh phúc trong sự chăm sóc chu đáo của nhân viên Thảo Cầm viên
Rất may là hươu cao cổ cha lại có vẻ rất đồng cảm và quấn quýt với đứa con mới được sinh ra nên cũng đã tạo cho du khách tham quan một hình ảnh rất đẹp về một gia đình hươu cao cổ hạnh phúc. Và, sau hơn một tháng chào đời, hiện bé hươu cao cổ con có cân nặng khoảng 60 kg, với chiều cao khoảng 2m, cứng cáp, khỏe mạnh và cực kỳ xinh đẹp.
Được biết hươu cao cổ là là động vật cao nhất có vú trên cạn và nhai lại thuộc bộ guốc chẵn. Hươu cao cổ thường sống ở đồng cỏ và rừng thưa. Nguồn thức ăn chính của chúng là lá cây keo – loại lá cây mà hầu hết các động vật ăn cỏ khác không thể với tới. Hươu cao cổ thường uống một lượng lớn nước trong một lần và nhờ giữ nước lâu trong cơ thể nên chúng có thể sống tại nhiều nơi khô cằn trong một thời gian dài. Hươu cao cổ chạy nhanh và trong trường hợp khẩn cấp có thể đạt tới tốc độ nước đại là 55 km/giờ, có nghĩa là ở khoảng cách ngắn chúng có thể đuổi kịp ngựa đua.
Từ xưa đến nay, Thảo cầm viên Sài Gòn được xem là 1 trong 10 vườn thú lâu đời nhất trên thế giới với bề dày hơn 150 tuổi và là điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong lẫn ngoài nước. Bên cạnh chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc các loài động – thực vật quí hiếm nhằm giới thiệu với du khách trong và ngoài nước, công tác nhân giống bảo tồn cũng được đơn vị đặc biệt quan tâm.
Hiện tại Thảo cầm viên Sài Gòn đang sở hữu bộ sưu tập động vật với hơn 1.100 cá thể thuộc 135 loài. Đa số là những loài thú quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như báo lửa, hổ Đông Dương,voi, trĩ sao…; một số loài đã sinh sản tốt trong vườn thú: trĩ sao, báo lửa, hổ Đông Dương, hà mã, sư tử, vượn má vàng, vọoc bạc, rái cá, linh dương … Các loài thú nhập ngoại hiện có tại Thảo cầm viên Sài Gòn đều thuộc hàng quý hiếm trong tự nhiên còn có: tê giác trắng, linh dương sừng kiếm, linh dương sừng xoắn, linh dương đầu bò, hươu cao cổ, ngựa hoang, hà mã, hà mã lùn, cò đỏ, vượn cáo, khỉ râu trắng, khỉ sóc…
Nhân dịp nhân giống thành công hươu cao cổ, Thảo cầm viên Sài Gòn đang đẩy mạnh công tác giáo dục vườn thú thông qua việc khởi động chương trình Tiết học ngoài nhà trường dành cho học sinh bậc tiểu học và đầu tư xây dựng Bảo tàng động thực vật, phòng thí nghiệm… để nâng cao chất lượng phục vụ khách đến tham quan.
Theo Lê Công Sơn/TNO
Bình luận (0)