Vừa qua TP.HCM đã đưa vào hoạt động tuyến xe buýt “5 sao” từ Sân bay Tân Sơn Nhất đi Vũng Tàu và đưa vào thử nghiệm tuyến cao tốc TP.HCM – Côn Đảo. Đây là 2 tuyến lưu thông mới kết nối TP.HCM với Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian sắp tới.
Xe buýt “5 sao” trang bị màn hình ti vi cho từng hành khách trên xe
Xe buýt “5 sao” đã lăn bánh
Vào sáng 25-1, tuyến xe buýt không trợ giá (mã số 72-1) Sân bay Tân Sơn Nhất – đường cao tốc – Bến xe Vũng Tàu đã chính thức khai trương, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán 2019. Theo đó, xe buýt 5 sao hoạt động từ 0 giờ đến 23 giờ 30 mỗi ngày, thời gian giãn cách dao động từ 20 phút đến 60 phút/chuyến, giá vé toàn tuyến là 160.000 đồng, nửa tuyến giá 80.000 đồng. Theo kế hoạch, thời gian đầu chỉ có doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM hoạt động theo các nốt tài đã được phân công trên biểu đồ chạy xe. Đến ngày 15-3, doanh nghiệp vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tăng cường thêm phương tiện theo phương án khai thác đã được các cấp thẩm quyền thông qua. Được biết hiện nay trên tuyến xe buýt 72-1 có 14 phương tiện hoạt động với 28 chuyến xe mỗi ngày, dự kiến đến giai đoạn 2 sẽ tăng lên 56 chuyến.
Với chiều dài toàn tuyến 105km, xe buýt Sân bay Tân Sơn Nhất – đường cao tốc – Bến xe Vũng Tàu sẽ lưu thông trong khoảng 150 phút. Lộ trình lượt đi: Sân bay Tân Sơn Nhất – Trường Sơn – Trần Quốc Hoàn – Hoàng Văn Thụ – Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Duẩn – Tôn Đức Thắng – Nguyễn Hữu Cảnh – cầu Sài Gòn – Xa lộ Hà Nội – Mai Chí Thọ – đường cao tốc – quốc lộ 51 – đường Võ Nguyên Giáp – đường 30/4 – Nguyễn An Ninh – đường 2/9 – Lê Hồng Phong – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Bến xe Vũng Tàu. Lượt về: Bến xe Vũng Tàu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Hồng Phong – đường 2/9 – Nguyễn An Ninh – đường 30/4 – đường Võ Nguyên Giáp – quốc lộ 51 – đường cao tốc – Mai Chí Thọ – Xa lộ Hà Nội – cầu Sài Gòn – Nguyễn Hữu Cảnh – Tôn Đức Thắng – Lê Duẩn – Pasteur – Võ Thị Sáu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Phan Đình Giót – Trường Sơn – Sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày có khoảng trên 500 lượt hành khách lưu thông trên hành trình từ TP.HCM về Vũng Tàu và ngược lại. Do đó tuyến xe buýt chất lượng cao sẽ tạo điều kiện cho người dân có phương tiện đi lại thuận tiện, chất lượng tốt. Đại diện đơn vị đầu tư, ông Hoàng Anh Tú (Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư AVI GO) cho biết, xe buýt “5 sao” là loại xe Limousine loại 34 chỗ, được cải tạo còn 19 chỗ với ghế ngồi rộng rãi, êm ái, có wifi và có màn hình ti vi phục vụ từng hành khách. Khi đi xe, hành khách sẽ được yêu cầu thắt dây an toàn như đi trên máy bay. Về phương thức mua vé, hành khách có thể đặt vé online từ trước. Khi đến sân bay hành khách sẽ được nhân viên công ty đón và hỗ trợ đưa hành lý ra xe. Đối với chiều đi từ Bến xe Vũng Tàu về Sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách sẽ được hỗ trợ làm thủ tục và được hướng dẫn qua soi chiếu để vào khu vực cách ly một cách thuận lợi.
Tàu cao tốc tuyến TP.HCM – Côn Đảo được đưa vào vận hành thử nghiệm ngày 25-1
Vận hành thử nghiệm tàu cao tốc tuyến TP.HCM – Côn Đảo
Để phục vụ nhu cầu du lịch của người dân và du khách, TP.HCM vừa đưa vào chạy thử nghiệm tàu cao tốc Phú Quý Express tuyến TP.HCM đi Côn Đảo. Với kinh phí đầu tư khoảng 60 tỷ đồng/chiếc, tàu cao tốc được đóng tại Nhà máy Z189 (Hải Phòng) với thiết kế hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế với 230 giường nằm, 70 ghế ngồi VIP. Bên cạnh đó, nội thất của tàu được thiết kế sang trọng, toàn bộ tàu được lắp camera quan sát, máy lạnh công suất lớn, nhà vệ sinh sạch sẽ, wifi tốc độ cao, giường nằm được chia ra các buồng riêng biệt. Ngoài ra tàu còn được trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại, trang thiết bị cứu sinh đầy đủ, đội ngũ tiếp viên chuyên nghiệp, lịch sự, chu đáo.
Theo ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (GreenlinesDP), tàu cao tốc hai thân Phú Quý Express sẽ xuất phát từ bến Bạch Đằng và đi thẳng đến đảo Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu). Hiện tàu đã được đưa vào vận hành thực nghiệm trên tuyến Sài Gòn – Côn Đảo, Côn Đảo – Cần Thơ và Cần Thơ – Côn Đảo vào ngày 25-1, nhằm chuẩn bị đưa vào hoạt động chính thức vào khoảng tháng 3. Với vận tốc từ 27-30 hải lý/giờ, tuyến tàu thủy cao tốc TP.HCM – Côn Đảo (125 hải lý) sẽ lưu thông trong khoảng dưới 5 giờ. Đặc biệt tàu có thể hoạt động ổn định trong mùa biển động, chịu được cấp sóng 7 đến cấp 8. Nói về tuyến cao tốc mới, ông Trần Quang Lâm (Giám đốc Sở GTVT TP.HCM) khẳng định đây sẽ là tuyến tàu cao tốc kết nối TP.HCM với Côn Đảo nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, đồng thời góp phần phát triển hàng hải và thúc đẩy du lịch đường biển trong thời gian sắp tới.
Bích Vân
Bình luận (0)