Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ôn thi tuyển sinh lớp 10 THPT: Môn tiếng Anh: Vững cấu trúc ngữ pháp, từ vựng quen thuộc

Tạp Chí Giáo Dục

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn tiếng Anh năm 2020 tại TP.HCM có cấu trúc không thay đổi so với các năm trước. Theo đó, đề gồm 36 câu hỏi, thời gian làm bài 60 phút, nội dung đánh giá cao về yếu tố từ vựng…

 

Theo các giáo viên bộ môn, học sinh khối 9 cần phân bổ thời gian ôn tập ngữ pháp và từ vựng hợp lý, khoa học. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Minh Đức (Q.1) học tiếng Anh ngoài vườn trường. Ảnh: Q.Long

Theo nhiều giáo viên bộ môn, ngay từ bây giờ học sinh khối 9 cần xây dựng lộ trình học tập khoa học, phân bổ thời gian ôn tập ngữ pháp và từ vựng.

Đặt từ và cấu trúc trong ngữ cảnh quen thuộc

Theo thầy Huỳnh Quốc Hùng (Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THCS Minh Đức, Q.1), tiếng Anh là bộ môn đặc thù, kiến thức theo vòng xoắn ốc, có liên quan đến nhiều khối lớp. Do vậy, để làm tốt bài thi môn này, trước hết các em cần nắm kiến thức trọng tâm, cơ bản ở các khối lớp, cả về từ vựng và ngữ pháp.

Ở phần từ vựng, học sinh thường dễ quên nếu không có cách học từ phù hợp. Trong mỗi đơn vị bài học, học sinh nên soạn các từ vựng liên quan kèm theo các bài tập ứng dụng từ vựng, chú ý đặt từ trong ngữ cảnh để nhớ lâu. Ngoài ra, các em cũng nên đọc thêm nhiều bài đọc hiểu để hiểu thêm về nghĩa của từ. Trong phần ngữ pháp, đây là kiến thức tổng hợp ở các khối lớp. Để làm tốt phần ngữ pháp, các em phải nắm vững các cấu trúc cơ bản về thì, cấu trúc so sánh, tường thuật…, hiểu và biết cách vận dụng. Tuy nhiên, các em không nên học vẹt, nhớ theo kiểu máy móc mà mỗi cấu trúc các em nên tìm những ví dụ gắn với cuộc sống, ngữ cảnh hàng ngày. 

Những năm gần đây đề thi tuyển sinh lớp 10 có xuất hiện dạng bài thực tế. Phần này không khó, chỉ chiếm 0,5 điểm trong đề thi nhưng cũng khiến nhiều học sinh gặp khó. Thực chất kiến thức chỉ là dạng ứng dụng gắn với thực tế, đòi hỏi các em phải có kiến thức chung, tổng hợp, biết quan sát cuộc sống xung quanh để nhìn nhận, đánh giá. Với dạng bài đọc hiểu trong đề thi, nhiều học sinh thường bị “ngộp” do bài đọc quá nhiều chữ. Tuy nhiên, đây lại là dạng bài trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, cả về từ vựng lẫn ngữ pháp, ngữ cảnh. Để không ngại dạng bài này, khi ôn tập, các em nên hình thành thói quen đọc nhiều đoạn văn, nắm nội dung của đoạn văn, từ đoạn văn đơn giản đến phức tạp. Khi làm dạng bài này, nguyên tắc đầu tiên là phải hiểu câu hỏi, chọn từ khóa trong bài đọc hiểu, chỉ ra được sự giống và khác nhau trong các đáp án. Với những điểm khác biệt nên tìm hiểu kỹ trong đoạn văn đọc hiểu.

Tóm lại, kiến thức trong đề thi tuyển sinh môn tiếng Anh không quá khó, không mang tính đánh đố học sinh. Với học sinh có học lực trung bình, chỉ cần nắm vững các cấu trúc ngữ pháp, phần từ vựng theo chủ đề thì sẽ đạt trên 5 điểm. Tuy nhiên, khi làm bài thi, các em không nên chủ quan, phải đọc thật kỹ các đáp án trước khi lựa chọn. 

Phân bố thời gian ôn tập khoa học, hợp lý

Đó là lời khuyên của cô Nguyễn Thị Bích Chi (giáo viên môn tiếng Anh Trường THCS Vân Đồn, Q.4). Theo cô Chi, cấu trúc đề thi môn tiếng Anh sẽ không thay đổi so với những năm trước với trọng tâm đánh mạnh vào phần từ vựng. Cấu trúc và nội dung trong đề thi sẽ được chia làm 7 phần: Trắc nghiệm đánh giá về từ vựng và chủ điểm ngữ pháp nhỏ như giới từ, đại từ liên hệ, liên từ, dạng và thì của động từ, tình huống giao tiếp (chiếm 2,5 điểm); trắc nghiệm về hình ảnh và bảng biểu mang tính thực tế và thời sự như bảng hiệu giao thông, bảng thông báo ở sân bay, trường học hoặc siêu thị (0,5 điểm); Guided cloze – trắc nghiệm lựa chọn từ hoặc cụm từ trong đoạn văn, các topic có liên quan những đề tài trong sách giáo khoa (1,5 điểm); Reading Comprehension trả lời True/ False và hiểu nội dung về đoạn văn như thế nào (1,5 điểm); Wordformation biến đổi một gốc từ thành từ loại phù hợp nghĩa trong câu (1,5 điểm); sắp xếp các cụm từ thành câu có nghĩa (0,5 điểm); Transformation biến đổi một câu thành một câu khác với văn phong không thay đổi ý nghĩa (1,5 điểm), nội dung các mệnh đề trạng ngữ các loại, câu điều kiện, câu điều ước, câu bị động, lời nói gián tiếp…

Về phương pháp ôn tập, học sinh nên xây dựng lộ trình khoa học bắt đầu ngay từ bây giờ và phát huy kỹ năng tự học mỗi ngày là hay nhất, phân bổ các tuần học từ vựng, ngữ pháp và giải đề tuyển sinh của các năm trước. Khi làm bài thi, các em cần có phương pháp và quản lý thời gian làm bài thật tốt; nên làm trực tiếp trên tờ giấy thi, viết vào phần trả lời đầy đủ, cẩn trọng đọc đề, viết rõ không lập lờ kể cả dấu câu, nhất là làm bài trong tâm lý thoải mái chứ không hoang mang.

Yến Hoa (ghi

 

 

Bình luận (0)