Đó là khẳng định của các chuyên gia trong chương trình tư vấn “Tâm lý, sức khỏe mùa thi và chọn nguyện vọng thông minh” năm 2022 vừa diễn ra tại Trường THPT Tam Phú (TP.Thủ Đức).
Chuyên gia đang tư vấn cho các em học sinh Trường THPT Tam Phú
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Có chiến lược rõ ràng
Thời điểm này, các em học sinh lớp 12 đang đứng trước nhiều ngã rẽ để lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp. Do đó, ngoài việc chuẩn bị tâm lý, sức khỏe thì điều mà các em vô cùng lo lắng đó là làm sao để xây dựng hình ảnh đẹp và tạo ra được giá trị cho tương lai.
Để học sinh hiểu rõ hơn vấn đề này, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo cho rằng, để xây dựng hình ảnh đẹp, các em phải dựa vào yếu tố phong cách và điểm mạnh của bản thân. Khi xác định được điều này, các em sẽ xác định được giá trị của mình trong cộng đồng. “Không có người giỏi nhất, chỉ có những người đặc biệt. Trong cộng đồng lớn, sẽ có cộng đồng nhỏ, những đối tượng ở đó sẽ có những quan tâm nhất định đối với các lĩnh vực riêng. Muốn xác định, các em phải tìm hiểu rõ mình mong muốn điều gì để phát triển sự nghiệp bản thân”, bà Thảo khẳng định.
Một nhóm học sinh Trường THPT Tam Phú nhờ chuyên gia tư vấn thêm sau chương trình
Theo bà Thảo, việc xây dựng hình ảnh và tạo ra giá trị không phải một sớm, một chiều mà là một quá trình và phải có chiến lược rõ ràng mới thành công. “Có nhiều hình ảnh cá nhân trong xã hội. Họ có thể nổi tiếng, tạo tiếng vang lớn trong thời gian ngắn nhưng cũng nhanh chóng bị lãng quên. Để trở thành “tâm điểm” trong mắt người khác được lâu dài, chúng ta phải tạo ra giá trị cho xã hội thông qua cách nói, cách làm. Những việc làm hay, ý nghĩa và có sức lan tỏa đều tạo ra giá trị”, bà Thảo nhấn mạnh. Cũng theo bà Thảo, sự thành công không giới hạn về độ tuổi, việc xây dựng hình ảnh cá nhân cũng vậy. Chúng ta bắt đầu sớm sẽ thành công sớm. Va chạm sớm, rút được kinh nghiệm sớm. Vì thế, chúng ta dễ dàng có được trải nghiệm, phát triển đường dài. Do vậy, khi các em hiểu được việc xây dựng hình ảnh bản thân đối với xã hội có thể bắt tay thực hiện ngay, dù ở độ tuổi nào.
Giải đáp cho học sinh về việc lựa chọn ngành nghề có ảnh hưởng đến việc xây dựng hình ảnh và tạo ra giá trị không, bà Thảo cho hay: “Công việc, ngành nghề là thứ đi cùng với chúng ta suốt cả cuộc đời. Thật tuyệt vời nếu chúng ta chọn được công việc tốt phù hợp với đam mê, sở thích và nhu cầu xã hội. Cùng với đó, chúng ta xây dựng được hình ảnh cá nhân và tạo ra được giá trị từ chính công việc của mình chắc chắn sẽ gặt hái được kết quả mà mình mong đợi”.
Cần có sự lựa chọn thông minh
Nói về việc lựa chọn hướng đi cho tương lai, ThS. Vương Văn Khởi (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) đã nêu một số sai lầm học sinh thường mắc phải khi lựa chọn ngành nghề. Đó là việc chạy theo đám đông; theo định hướng gia đình; chạy theo thần tượng… mà quên rằng năng lực của mình có giới hạn. Vì vậy, khi lựa chọn ngành nghề, các em nên dựa vào sở thích, đam mê, năng lực, xu hướng nhân lực để có thể theo đuổi được lâu dài. Về cách chọn phương thức xét tuyển, ThS. Khởi cho rằng, các em học sinh cần có sự lựa chọn thông minh. Bởi hiện nay có nhiều phương thức xét tuyển vào ĐH như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT; dựa vào học bạ; dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực… Do vậy, các em không nên dùng một phương thức, phải tận dụng tối đa các phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển. “Những năm trước, học sinh có thể trúng tuyển nhiều ngành vào nhiều trường. Tuy nhiên, năm nay các em chỉ trúng tuyển một ngành vào một trường. Do đó, các em cần xác định rõ ngành học ngay từ đầu để đặt nguyện vọng dễ dàng”, ThS. Khởi gợi ý.
PHỤ HUYNH PHẢI ĐỒNG HÀNH CÙNG CON Theo chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, trong học tập cũng như trong cuộc sống, phụ huynh là những người quan trọng đối với con. Những lúc con thi cử hoặc đứng trước sự lựa chọn cho bước ngoặt của cuộc đời, cha mẹ không nên đặt ra những câu hỏi: “Liệu con có vượt qua được không?”, “Con có chắc thi đậu không?”, “Con sẽ đạt điểm cao chứ?”… mà hãy trấn an con, giúp con an tâm trong việc học tập, thi cử. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể giúp con bằng cách nấu những món ăn nhiều chất dinh dưỡng, nhắc nhở con đi ngủ đúng giờ, vui chơi vừa sức… Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dành thời gian cho con vào những buổi tối hoặc cuối tuần để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con. Như vậy, con sẽ có cơ hội nói ra những vấn đề mình đang gặp phải để cả gia đình cùng nhau giải quyết. Những hành động tuy nhỏ nhưng sẽ tạo cho con sức mạnh tinh thần để vừa hoàn thành tốt việc học tập, vừa tránh được những áp lực từ phía gia đình. |
Đề cập thêm về vấn đề này, ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, việc chọn nhiều phương thức xét tuyển không ảnh hưởng đến học sinh nên các em có thể tận dụng tối đa. “Hàng năm có những học sinh chỉ chọn phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, đến khi không trúng tuyển mới muốn chuyển sang phương thức khác. Lúc này, các phương thức như xét học bạ, kỳ thi riêng của các trường đã không còn, các em mất cơ hội dẫn đến không còn lựa chọn. Vì vậy, các em nên tận dụng cơ hội ngay từ đầu, tránh việc không đậu ĐH đáng tiếc”, ThS. Luyện cho hay. Đặc biệt, để học sinh không bị nhầm lẫn, ThS. Luyện lưu ý, các em cần phân biệt được điểm sàn và điểm chuẩn. Điểm sàn là mức điểm xét tuyển tối thiểu để các trường nhận đơn xét tuyển. Mức điểm sàn đã được quy định sẵn, do đó điểm xét tuyển không được thấp hơn điểm sàn. Còn điểm chuẩn là mức điểm trúng tuyển của từng trường, từng ngành. Điểm này quyết định khả năng trúng tuyển của học sinh. “Về đăng ký nguyện vọng, các em nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Đầu tiên là những ngành mình thích và có mong muốn đậu, tiếp theo là những ngành liên quan”, ThS. Luyện khuyên.
Bài, ảnh: H.Trinh
Bình luận (0)