Sau gần 90 ngày không có ca bệnh trong cộng đồng, Việt Nam vừa ghi nhận 2 ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM.
Tổ giám sát cộng đồng là mắt xích quan trọng góp phần vào phòng, chống Covid-19 tại Đà Nẵng. Ảnh: P.Lệ
129 bệnh viện phải họp khẩn
Chiều 1-12, Sở Y tế TP.HCM đã họp trực tuyến bàn về công tác phòng chống dịch Covid-19 với 129 bệnh viện thuộc bộ ngành, công lập và tư nhân trên địa bàn TP.
Cuộc họp nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Trước đó, ngày 29 và 30-11, tại TP.HCM phát hiện 2 ca nhiễm Covid-19 lây nhiễm từ khu cách ly. Đó là bệnh nhân 1342 (nam, sinh năm 1992, quốc tịch Việt Nam, là tiếp viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines) và bệnh nhân 1347 (nam, sinh năm 1988, quốc tịch Việt Nam, giáo viên tiếng Anh, bạn của bệnh nhân 1342). Hiện cả 2 bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Hiện Sở Y tế TP đã lấy mẫu xét nghiệm, cách ly 235 người, trong đó có 157 người cách ly tập trung và 72 người cách ly tại nhà; đồng thời phong tỏa các địa điểm mà 2 bệnh nhân này từng lui tới…
Liên quan đến bệnh nhân 1347 (giáo viên Trung tâm Anh ngữ KEY English), trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM, ông Lưu Hồng Uyên – Trưởng phòng GD-ĐT Q.6 – cho hay, theo chỉ đạo của UBND Q.6, Phòng GD-ĐT tạm thời cho HS 2 trường tiểu học Võ Văn Tần và Nguyễn Huệ nghỉ đến khi có kết quả xét nghiệm của các giáo viên tiếp xúc với ca bệnh. Trong thời gian HS nghỉ, phòng chỉ đạo 2 trường thực hiện việc giảng dạy trực tuyến…
Cô Nguyễn Lệ Hằng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Văn Tần (Q.6) – cho biết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giảng dạy trực tuyến đến giáo viên, triển khai đến HS. Tùy theo từng giáo viên, tùy theo đối tượng HS, việc giảng dạy trực tuyến có thể linh hoạt thực hiện theo chủ đề, chủ điểm kết hợp giữa các bộ môn hoặc thực hiện từng bộ môn. Song song đó, nhà trường đã thực hiện vệ sinh khử khuẩn toàn trường, chuẩn bị thêm các trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh như máy đo thân nhiệt, khẩu trang y tế, nước rửa tay để đảm bảo an toàn cho HS, giáo viên khi đi học trở lại…
Ngày 1-12, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã có văn bản gửi thủ trưởng các đơn vị, cơ sở GD trên địa bàn TP về đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Sở GD-ĐT đề nghị thủ trưởng các đơn vị, cơ sở GD chủ động rà soát thông tin cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và HS, gia đình HS một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác về các trường hợp, các đối tượng có liên quan đến tình hình dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, TP và Sở GD-ĐT; tăng cường công tác khử khuẩn vệ sinh trường, lớp học, tạo môi trường sạch sẽ, thông thoáng theo quy định; bố trí đầy đủ vòi nước sạch, xà phòng và tổ chức cho HS rửa tay đúng cách thường xuyên; thông báo, nhắc nhở việc đeo khẩu trang theo quy định.
Duy trì các biện pháp phòng, chống Covid-19
Chiều 30-11, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng chống Covid-19, năm 2020.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tình hình Covid-19 trên thế giới hiện vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh này, ngay từ khi có thông tin về Covid-19, Bộ Y tế đã kịp thời đánh giá nguy cơ, xây dựng kế hoạch phòng, chống và phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, ứng phó. Hiện cả nước đang khẩn trương thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Vì vậy, các cấp ngành, người dân không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch. Riêng ngành y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành liên quan tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo PGS. Trần Như Dương – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ngay từ những ngày đầu chống dịch cho đến nay, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch đã đề ra và duy trì 5 chiến lược lớn xuyên suốt, nhất quán để phòng chống dịch Covid-19 và đã được chứng minh qua thực tiễn là phù hợp và hiệu quả, cụ thể là: “Chiến lược ngăn chặn; chiến lược phát hiện; chiến lược cách ly; chiến lược khoanh vùng dập dịch và chiến lược điều trị hiệu quả”. Trong chống dịch tại thực địa thì việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo “chiến lược phát hiện; chiến lược cách ly và chiến lược khoanh vùng dập dịch” là hết sức quan trọng, đóng vai trò then chốt cho công tác chống dịch. Việc triển khai chính xác từng mắt xích sẽ đem đến hiệu quả cao. Từ cách ly triệt để, cô lập nguồn lây đến thực hiện truy vết dịch tễ. Một trong những kinh nghiệm rất quan trọng nữa là thực hiện xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm nhanh tại cộng đồng cũng như xét nghiệm những nhóm người nguy cơ cao để phát hiện ngay nguồn bệnh trong vùng dịch. Tổ giám sát cộng đồng cũng đóng một vai trò quan trọng.
“Trong đợt chống dịch vừa qua, tại miền Trung, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các địa phương đã thành lập được hàng vạn tổ phòng chống dịch Covid-19 cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch tại thực địa. Những tổ Covid cộng đồng chính là những hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch”, ông Dương nhấn mạnh.
Y.Hoa – M.Phương – P.Lệ
Bình luận (0)