Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Hà Nội: Gỡ rối nút giao thông Thanh Xuân

Tạp Chí Giáo Dục

Đại diện người dân chỉ ra những điểm "mập mờ" trong việc triển khai dự án (MC).

Nút giao thông Thanh Xuân và đoạn đường vành đai 3 đi qua quận Thanh Xuân đã “mắc” từ vài năm nay. Nhằm khơi thông ách tắc này, các đại biểu Quốc hội của Hà Nội, lãnh đạo TP, lãnh đạo quận và người dân liên quan đã cùng có buổi trao đổi trực diện.
Buổi làm việc diễn ra vào chiều 30/12 với tinh thần dân chủ, khách quan, cùng giải quyết vấn đề…
Phải làm rõ chỉ giới đường đỏ
Tại buổi làm việc, đại diện người dân vành đai 3 đã trình bày những vấn đề khúc mắc với các cơ quan chức năng. Cụ thể, người dân cho rằng, theo qui hoạch chỉ giới đường đỏ là 68m, nhưng quận Thanh Xuân đã giải phóng mặt bằng lớn hơn như vậy. Thêm nữa, quận không công khai hồ sơ pháp lí về thu hồi đất và hồ sơ thiết kế kỹ thuật của nút giao thông Thanh Xuân.
Việc giải phóng mặt bằng được thực hiện mà không có quyết định thu hồi đất với từng hộ dân. Theo người dân, thủ tục này được các cơ quan chức năng lí giải là chỉ được thực hiện sau khi luật đất đai 2003 có hiệu lực (1/7/2004) và với dự án đã thực hiện từ trước đó, trong trường hợp chỉ còn một số hộ chưa thu hồi đất sẽ không phải ra quyết định thu hồi với từng hộ dân. Tuy nhiên, những người dân cho rằng, không phải còn một số hộ mà thực tế còn rất nhiều hộ (1.200/2.100 hộ)…
Thêm nữa, với việc UBND TP ra quyết định thu hồi đất (chung), việc cưỡng chế phải do UBND TP ra quyết định mới đúng luật, trong khi UBND quận lại làm việc này… Rất nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân, trong đó có những người viết đơn đến lần thứ 14 gửi lãnh đạo quận, nhưng quận không có một quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo nào.
Người dân cũng cho rằng, quận cố tình quanh co nói người dân vi phạm qui hoạch để bác bỏ quyền được bồi thường và chỉ hỗ trợ với mức rất thấp. Tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND quận, Hoàng Nam Sơn cũng một lần nữa “nhắc lại”, không có trường hợp nào thuộc diện giải phóng cho đường vành đai 3 ở quận có đủ điều kiện bồi thường, đền bù 100% vì vi phạm qui hoạch đã có từ cách đây rất lâu.
Một người dân sau đó đã đáp lại: “Nói như Phó Chủ tịch UBND quận là chủ quan”. Người dân này đề nghị cử một đoàn cán bộ có trách nhiệm xuống xem xét giấy tờ của từng hộ dân. Thêm nữa, đề nghị cắm mốc giới để người dân nắm được chỉ giới đường đỏ đến đâu, tim đường ở đâu?
Sẽ gỡ rối với tốc độ nhanh
Giải thích về những vấn đề liên quan đến qui hoạch, Giám đốc Sở Qui hoạch – Kiến trúc, Tô Anh Tuấn lí giải, qui hoạch đường vành đai 3 có nhiều cấp độ, từ qui hoạch tổng thể đến qui hoạch chi tiết quận Thanh Xuân 1/2000.
Về mặt cắt đường, ông Tuấn thừa nhận, năm 1998 được xác định là 68m. Nhưng trong hồ sơ cuối cùng gửi Bộ Giao thông vận tải, có những đoạn lớn hơn 68m và sau này, UBND TP phê duyệt hồ sơ chỉ giới đường đỏ có chấp nhận những đoạn lớn hơn 68m…
Tuy nhiên, khi Phó Chủ tịch UBND TP, Nguyễn Văn Khôi hỏi lãnh đạo ban quản lí dự án Thăng Long, Chủ đầu tư của công trình về hồ sơ bản vẽ kèm theo quyết định đầu tư số 597 (năm 1998) của Thủ tướng thì vị này nói không mang đến cuộc họp. Với câu hỏi mặt cắt của đường theo bản vẽ đó là bao nhiêu, lãnh đạo của dự án cũng không trả lời được.
Một cán bộ của Ban quản lí dự án đứng lên trả lời thay cũng hết sức “ấp úng”. Thêm nữa, cán bộ này còn nói, nút giao thông cần quĩ đất rộng hơn ban đầu do phải thiết kế cho tuyến đường sắt đi qua, nhưng lại không trả lời được rõ ràng, thiết kế cuối cùng có bao hàm tuyến đường sắt này không?
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi đã phê bình trực diện lãnh đạo của BQL dự án về thái độ chuẩn bị cho cuộc họp và cho biết sẽ trao đổi với Bộ trưởng Bộ GTVT (BQL dự án Thăng Long thuộc Bộ) về vấn đề này.
Ông Khôi đề nghị lãnh đạo BQL dự án khẩn trương chuẩn bị hồ sơ trên để có buổi làm việc với Sở QHKT và với người dân vào sáng 31/12. Theo ông Khôi, những hồ sơ này là cơ sở quan trọng, trước khi xem xét vấn đề GPMB, giải quyết quyền lợi cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Khôi cũng thẳng thắn cho rằng, cần có sự rút kinh nghiệm từ thành phố đến quận, phường về cách làm. Liên quan đến cơ chế, chính sách để thực hiện tiếp việc GPMB, ông Khôi giao Trưởng ban GPMB của thành phố soạn dự thảo trong vòng một tuần. Trước đó, ông nhấn mạnh, sẽ vận dụng tối đa cơ chế chính sách cho người dân…
Dự kiến những vấn đề còn vênh nhau giữa Bộ GTVT và TP liên quan đến dự án sẽ được hai bên ngồi lại giải quyết vào 10/1/2009.
Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, ông Đào Trọng Thi mong thành phố dứt điểm vấn đề trước Tết âm lịch, nhằm giải quyết quyền lợi của người dân và bảo đảm thi công công trình quốc gia. Ông Thi cũng đề nghị quận Thanh Xuân giải quyết đơn thư của người dân theo đúng luật.
Cấn Cường (dantri.com.vn)
 

Bình luận (0)