Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nguyên nhân gây đau nhức chân sau khi ngủ dậy

Tạp Chí Giáo Dục

Đau nhức chân khi thức dậy vào buổi sáng có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng công việc và hoạt động trong ngày.
5 lý do khiến bạn đau chân sau khi ngủ dậy
Thông thường, chúng ta sẽ cảm thấy tươi tỉnh và tràn đầy năng lượng vào buổi sáng. Tuy nhiên, nhiều người gặp phải tình trạng mỏi, tê bì chân khi thức dậy.
Điều này có thể là do bạn không ngủ đủ giấc hoặc triệu chứng cảnh báo sức khỏe có bất thường. Nhiều người bị mỏi và đau nhói ở chân thường không cần điều trị và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, một số người bị ảnh hưởng sinh hoạt và công việc hàng ngày.
Không nhận đủ oxy trong hệ thống tuần hoàn
Theo Live Strong, điều này có thể là do vấn đề về hô hấp như xoang, dị ứng mũi, ngưng thở khi ngủ và nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
Bạn cũng có thể gặp cùng vấn đề như vậy khi bị thiếu sắt. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng gọi là hội chứng chân không nghỉ, ảnh hưởng trong suốt thời gian nằm ngủ. Bạn sẽ có cảm giác kiến bò hoặc ngứa, chân không thể để yên.
Kéo giãn chân hoặc đi bộ khoảng vài phút có thể giảm nhẹ tạm thời các triệu chứng trên.
Đau mỏi chân vào buổi sáng có thể là dấu hiệu nguy hiểm.
Đau mỏi chân vào buổi sáng có thể là dấu hiệu nguy hiểm.
Đôi chân hoạt động quá mức vào ngày hôm trước
Thông thường, mức độ đau nhức mà bạn cảm thấy vào buổi sáng tỷ lệ thuận với áp lực mà đôi chân của bạn đã trải qua ngày hôm trước.
Những hoạt động thể chất, tập thể dục dưới bất kỳ hình thức nào, ngay cả việc đơn giản như đi bộ, đều kích thích chân và gây ra mệt mỏi. Điều này có nghĩa là nếu bạn bị đau và cứng bàn chân sau một ngày bắt đầu tập thể dục, đó có thể là tình trạng đau cơ khởi phát muộn. Đây là dạng nhẹ nhất của hiện tượng rách vi mô do mệt mỏi.
Khi tình trạng quá tải này xảy ra, cơ thể sẽ cố gắng sửa chữa vào ban đêm khi chân được nghỉ ngơi. Bản thân quá trình sửa chữa này góp phần khiến cho bàn chân bị đau nhức. Nếu nguyên nhân là đau nhức cơ bắp sau khi tập thể dục, bạn không nên quá lo lắng. Chúng có thể biến mất sau 24-72 giờ.
Tuy nhiên, nếu tình trạng khó chịu buổi sáng tái diễn, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn tập luyện quá sức, dẫn đến chấn thương.
Chấn thương
Áp lực quá lớn đến bất kỳ mô nào trong cơ thể đều dễ dẫn đến rách vi mô. Theo thời gian, nó sẽ gây đau và chấn thương.
Thường xuyên bị đau chân vào buổi sáng là một trong những tín hiệu đầu tiên cho thấy bạn gặp vấn đề nghiêm trọng hoặc chấn thương như viêm gân mạn tính. Tình trạng này có thể gây viêm, kích ứng và làm suy giảm chức năng của gân trong thời gian dài.
Theo Hệ thống Y tế Đại học Northshore (Mỹ), bệnh viêm cân gan chân (dải mô nối xương gót chân với ngón chân) là một trong những thủ phạm phổ biến nhất của chứng đau gót chân.
Để giúp giảm bớt sự khó chịu, bạn hãy cố gắng tạm ngừng các hoạt động gây đau ở bàn chân. Nếu cơn đau kéo dài, bạn nên tìm sự trợ giúp từ bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu để có kế hoạch điều trị thích hợp.
Viêm khớp là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị đau nhức chân khi thức dậy.
Viêm khớp là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị đau nhức chân khi thức dậy.
Viêm khớp
Theo Webmd, đau chân mạn tính, cứng khớp và sưng tấy cũng có thể do viêm khớp và là dấu hiệu cảnh báo tình trạng này.
Viêm xương khớp thường liên quan quá trình lão hóa. Tuy nhiên, các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như chấn thương khớp, béo phì, di truyền, vấn đề giải phẫu như hình dạng và sự liên kết của khớp.
Duy trì trọng lượng hợp lý sẽ giúp giảm áp lực lên khớp, giảm đau và hoạt động tốt hơn. Trong khi đó, vật lý trị liệu có thể cải thiện tính linh hoạt và phạm vi chuyển động, tăng cường cơ bắp ở bàn chân.
Suy giáp
Theo Healthline, suy giáp có thể gây đau gót chân vào buổi sáng. Sự phá vỡ các chất hóa học và hormone trong cơ thể dẫn đến viêm và sưng tấy ở bàn chân, mắt cá chân, gót chân. Nó cũng có thể gây ra hội chứng đường hầm cổ chân, nơi dây thần kinh chày ở bàn chân bị chèn ép hoặc tổn thương.
Nếu bị đau gót chân không rõ nguyên nhân vào buổi sáng và có thêm các triệu chứng như ăn không ngon, da tái xanh, táo bón…, bạn có thể cần đến cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng của tuyến giáp.
NT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)