Các em học sinh đi học bằng xe đưa đón. Ảnh: PHAN TRÍ |
Trong tình hình thực tế hiện nay, cảnh ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ tan học là nỗi ám ảnh của nhiều người. Do đó, việc tổ chức xe đưa đón học sinh đến trường phần nào đã giải được “bài toán” ùn tắc. Sở GD-ĐT TP.HCM đã có kế hoạch triển khai xuống từng quận, huyện, trường học để thực hiện “bài toán xe đưa đón học sinh” và kết quả là một số trường có điểm nóng ùn tắc nay đã được khắc phục.
Phụ huynh và học sinh ủng hộ xe đưa đón
Quận 10 là một quận trung tâm TP.HCM, do lượng xe cộ ra vào thành phố đông nên vào giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông. Các trường trên địa bàn tập trung ở những vị trí đường hẹp, học sinh đi học thường xuyên được phụ huynh chở, với số lượng đông nên cũng thường xảy ra kẹt xe vào những thời điểm đưa đón học sinh. Xuất phát từ tình hình đó, Phòng Giáo dục quận 10 đã chỉ đạo các trường cần có kế hoạch tổ chức xe đưa đón học sinh, không chỉ giúp các em đến trường đúng giờ mà còn góp phần làm giảm áp lực giao thông. Trong đó phải kể đến Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, là ngôi trường nằm trên trục đường Hòa Hưng – Cách Mạng Tháng Tám. Một trong những “điểm nóng” về ùn tắc giao thông. Để giải quyết bài toán “kẹt xe muôn thuở” Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai kế hoạch phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện “Cổng trường em sạch đẹp, an toàn” trong đó phải nói đến việc tổ chức xe đưa rước học sinh đến trường. Phần lớn phụ huynh đều tán đồng với vấn đề này. Đến nay trong tổng số 1.100 em, đã có hơn 200 em tham gia với hơn 10 xe đưa đón. Nhà trường cho biết: “Một số em ở gần trường, thì phụ huynh đưa đón, trường mở rộng cửa để phụ huynh có thể vào trong sân trường đưa đón con em. Riêng các em ở xa trường đều tham gia xe đưa đón do trường tổ chức”.
Các tuyến đường trên địa bàn quận Gò Vấp trong những năm gần đây trở nên quá tải bởi các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp mọc lên như nấm, kéo theo hàng chục ngàn người từ các tỉnh đổ về để sinh sống và làm việc cũng không thoát khỏi tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Đặc biệt là tuyến đường Quang Trung, một nhánh của đường Xuyên Á, được nâng cấp, mở rộng nhưng cũng trở nên quá tải. Bên cạnh đó, do đường rộng, đẹp, các phương tiện lưu thông phóng nhanh, vượt ẩu nên tình trạng tai nạn xảy ra trên đường này cũng là nỗi bức xúc của người dân. Trong khi đó đường Quang Trung (chạy dài qua 5 phường) chưa được 8km nhưng có đến 7 trường học (trong đó có 4 trường tiểu học) nằm trên trục đường. Cụ thể là cách một cổng trường tiểu học vài mét là chợ Hạnh Thông Tây (cả chợ mới và chợ cũ), Trường Đại học Công nghiệp, 2 trường mầm non và 3 công ty có hàng trăm công nhân làm việc. Giờ học sinh tan trường cũng là một nỗi ám ảnh của không chỉ nhà trường, phụ huynh và người tham gia giao thông. Từ những bức xúc trên BGH Trường Tiểu học Hanh Thông (phường 4 quận Gò Vấp) đã lên kế hoạch tổ chức xe đưa rước học sinh. Kết quả bất ngờ ngoài mong đợi của BGH nhà trường khi số học sinh toàn trường là hơn 1.600 em, nhưng có hơn 300 học sinh đăng ký xe đưa đón. Trao đổi với chúng tôi, thầy Đặng Thanh Tuấn – nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hanh Thông cho biết: “Trước đây các em đến trường hay tan học phải tham gia giao thông trong một điều kiện chưa thật sự an toàn. Bên cạnh đó, việc đưa đón của phụ huynh trên đường phố và trước cổng trường cũng gây ảnh hưởng lớn đến trật tự giao thông. Giờ đây thì mọi việc đã khác, cổng trường thông thoáng hơn, phụ huynh an tâm khi nhà trường tổ chức đưa rước các em. Chúng tôi chia giờ ra về của các khối lệch nhau 15 phút, xe đưa rước các em có thể quay vòng về trường để tiếp tục đưa đón. Nhờ giải quyết được lệch giờ, lệch ca, “bài toán điểm nóng” ùn tắc giao thông tại đây đã đạt được kết quả tốt”.
Nhân rộng mô hình xe đưa đón học sinh
Trường TH Phan Chu Trinh tổ chức xe đưa đón học sinh đã được 3 năm, ngôi trường nằm trên mặt tiền đường Thống Nhất quận Gò Vấp, một trong những tuyến đường có giao thông phức tạp nhất trên địa bàn quận. Ngoài ra còn có ngôi trường nằm gần chợ Xóm Mới, cạnh Trường Đại học Hồng Bàng, 2 trường THCS, 3 trường mầm non cũng thực hiện đưa đón học sinh. Những năm trước cảnh ùn tắc ở đây xảy ra như “cơm bữa”. Hiện nay số lượng xe đưa rước học sinh đã lên đến 11 xe, hầu hết là các loại xe Suzuki, mỗi xe chở từ 15 – 22 học sinh. Chị Trần Thị Ngọc (phụ huynh em Nguyễn Ngọc Trâm lớp 4) cho biết: “Tôi cho cháu đi xe đưa đón từ khi nhà trường tổ chức, vì cả hai vợ chồng đều làm ở quận 3. Đường sá thì kẹt xe liên tục, nhờ có xe đưa rước mà chúng tôi rất an tâm”. Anh Nguyễn Minh Thắng (phụ huynh em Nguyễn Minh Hùng lớp 3) cho rằng: “Trước đây mỗi lần đưa đón cháu là một cực hình, kẹt xe, trễ giờ. Giải pháp xe đưa đón học sinh tôi nghĩ rằng rất có hiệu quả, mong rằng các trường trên toàn địa bàn TP đều tổ chức mô hình này, vì đó cũng là giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông vào những giờ tan trường”. Em Nguyễn Ngọc Trâm lớp 4, nói: “Bác Năm (tài xế) đưa đón tụi con rất đúng giờ, bác Năm chở tới từng nhà và đưa tụi con vào nhà rồi mới đưa bạn khác về, trên xe cũng vui lắm ạ, vì có bạn bè trong lớp đi cùng và rất thoải mái ạ!”.
Việc tổ chức xe đưa đón học sinh, không chỉ giúp các em đến trường đúng giờ mà còn góp phần giảm áp lực giao thông, đảm bảo an toàn. Theo ông Trần Khắc Huy, Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM: Trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục đôn đốc các trường cần đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức xe đưa đón học sinh và chúng tôi sẽ lấy một số trường làm điển hình như Trường TH Triệu Thị Trinh quận 10, Hanh Thông, Võ Thị Sáu, Phan Chu Trinh quận Gò Vấp để nhân rộng ra các trường trên toàn địa bàn TP.
Hà Anh – Lê Hữu
Bình luận (0)