Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

“Đua” xe khách: Càng Tết càng hăng!

Tạp Chí Giáo Dục

Nhồi khách, phóng nhanh vượt ẩu, hành khách đi xe liên tỉnh không say xe thì cũng chóng mặt, thót tim. Khách có ý kiến thì “nhà xe” dọa cho xuống đường đi bộ nên đành nhẫn nhịn chịu đựng…

Tuyến nào cũng “đua”
“Nhất Hà Tĩnh, nhì Nghệ An”, đó là cảnh báo truyền miệng của những người đi xe liên tỉnh về “khả năng” phóng nhanh vượt ẩu kinh hồn của cánh tài xế xe khách hai tỉnh thành này. Và chúng tôi cũng đã được “mục sở thị” khi có dịp đi công tác từ Nghệ An ra Hà Nội vào giáp tết.
Vừa xuất bến, tài xế K., một người khá nổi tiếng trong làng “đua xe khách” một tay nghe điện thoại, một tay cầm vô lăng và nhấn ga liên tục. “Thằng 37K-14… đang ở đoạn nào, cách 10 phút hả, để tao bắn nó”. Cùng với từ “bắn”, tài xe K. liên tục vượt mặt những chiếc xe tải, xe container chắn trước mặt. Thi thoảng hành khách lại hết hồn hết vía khi anh này tránh những chiếc xe ngược chiều bằng cú đánh vô-lăng chóng mặt. Một lúc sau đã thấy chiếc 37K-14… cách có 100m, đến lúc này hành khách càng sợ hãi hơn khi hai xe này đua nhau giành khách suốt đoạn đường từ Nghệ An đến Thanh Hóa.
Bác Nguyễn Văn Hải, một người chuyên buôn hoa quả từ Nghệ An ra Hà Nội trấn an: “Lúc đầu thấy tụi nó đua nhau giành khách cũng ớn lắm, nhưng riết rồi cũng quen. Đi xe tụi này còn đỡ, chứ bắt xe của đám tài xế Hà Tĩnh còn ngán hơn”. Theo bác Hải, cánh tài xế Hà Tĩnh chạy ác hơn cũng vì mục tiêu cướp khách dọc tuyến đường. “Các tài xế đều nắm lịch xuất bến, giờ đi của các xe dọc tuyến, nên những tuyến trùng giờ thường phải cạnh tranh dữ lắm mới có khách. Thế nên xe nào cũng phải đua, càng gần tết càng đua ác”, bác Hải cho hay. 
Điều nghịch lý nhất là, xe khách xuất bến thì chạy chậm như rùa, thậm chí còn chậm hơn tốc độ của… người đi bộ, còn khi cách bến chừng 5km là các xe bắt đầu đua tốc độ. 
Cách đây ít lâu, trên chuyến xe 33H – 67… từ Thái Nguyên về Mỹ Đình (Hà Nội), từ đoạn bến xe đến hết đường Lương Văn Quyến, tài xế cho xe “đi bộ” 30 phút để bắt khách, và sau đó là phóng đến chóng mặt. Đến đoạn huyện Phổ Yên, khách được phen nháo nhác khi tài xế này đâm sầm vào đuôi xe ôtô 4 chỗ đi cùng chiều. “Đường trơn, lại gặp đúng chỗ nhiều cát phanh không kịp, thế là toi mất 2 triệu đền cái đèn, xui quá”, tài xế khá trẻ tên Cường phân trần sau khi mất gần một tiếng thỏa hiệp với lái xe con bị đâm phải.
 

Vụ va chạm giữa xe khách 33H-67.. với ô tô 4 chỗ vì tài xế phóng nhanh vượt ẩu 
Theo cánh tài xế, việc giành giật khách trên đường rất quyết liệt vì ngày càng có nhiều xe cạnh tranh khai thác trên cùng tuyến. Để hạn chế việc cạnh tranh, bến xe cũng đã phân chia giờ giấc xuất bến, vào bến nhưng cũng không giảm được nhiều do “giờ vàng thì ít, xe chạy tuyến thì nhiều”.
“Nhồi khách” sẽ bị tạm giữ từ 10 – 30 ngày
Theo phản ánh của hành khách, đáng sợ nhất là tình trạng nhồi khách chật như nêm ở các xe khách chạy đường dài Bắc – Nam. Các xe chạy đường dài số lượng ghế trung bình 54 chỗ ngồi, nhưng lượng khách thực bao giờ cũng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Anh Nguyễn Đức Trung, vừa trải qua một chặng đường dài từ Bình Định ra Hà Nội bảo: “Hơn 1 ngày ngồi trên xe cứ như tra tấn, hai chân cứng đơ cả lại, trời thì lạnh mà người thì nóng hầm hập vì xe quá đông”.
Cũng theo anh Trung, được ngồi trên ghế chính như anh cũng còn may, nhiều hành khách vì muốn kịp về nhà hoặc do công việc gấp đành chấp nhận phải ngồi trên ghế phụ giữa hai lối đi. “Ngồi ghế phụ nhưng tiền vé phải trả vẫn như ghế chính. Xe đông như thế nhưng chẳng hiểu sao qua nhiều trạm kiểm soát của các tỉnh tài xế vẫn đi lọt như thường”, anh Trung cho hay.

Sẽ tạm giữ xe "nhồi khách", chở quá tải từ 10 đến 30 ngày liệu có đủ sức răn đe?
Về việc xử phạt tình trạng xe nhồi khách dịp Tết, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục phó Cục đường bộ Việt Nam khẳng định, Cục đã chỉ đạo thanh tra giao thông các tỉnh phối hợp với cảnh sát giao thông xử lý nghiêm các trường hợp xe nhồi khách. Thay vì phạt tiền và cho xe vi phạm đi tiếp, quy định mới còn cho phép lực lượng kiểm tra tạm giữ xe từ 10 – 30 ngày, nhằm tránh tình trạng các chủ phương tiện tiếp tục bắt khách dọc đường để bù lại số tiền bị phạt.
Ông Nguyễn Văn Thanh cũng khẳng định, nếu phát hiện các trường hợp nhồi khách, chở quá tải quy định, hành khách có thể gọi hoặc gửi tin nhắn trực tiếp đến số điện thoại 0913.203558 phản ánh để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
 Sông Lam (dantri.com.vn)

Bình luận (0)