Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Tổng cục GDNN và tác giả (bìa trái) tại Ngày hội Khởi nghiệp HS-SV toàn quốc lần 1
Giáo dục nghề nghiệp đổi mới tiếp cận để phát triển bền vững
Sự đổi mới sáng tạo cách làm một số hoạt động, như: thu hút học sinh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của học viên và tín hiệu của thị trường:
Một là, biến tiết học hướng nghiệp thành “giờ sản xuất”. Có lẽ, việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tìm đến các trường cấp II, cấp III để tư vấn tuyển sinh hoặc trực tiếp tham gia hướng dẫn tiết học nghề theo quy định không còn mới mẻ. Song, sau khi kết thúc thời gian học nghề đó, học sinh phải tự tay làm ra được sản phẩm có giá trị sử dụng thì không phải cơ sở giáo dục nào cũng làm được. Đó là mục tiêu và cũng là cách làm của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đã chọn, nhằm thu hút học sinh đến với nhà trường.
Hai là, tiếp tục dẫn dắt và truyền cảm hứng. Giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông hướng đến công tác phân luồng học sinh sau trung học, chỉ gắn với khâu chọn nghề, phạm vi diễn ra ở trường phổ thông và đối tượng chủ yếu là học sinh từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Mục tiêu chính là hình thành hứng thú nghề, năng lực nghề và chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng tâm lý đi vào lao động nghề nghiệp. Trong khi đó, giáo dục hướng nghiệp ở trường nghề giúp cho các em chọn được một nghề cụ thể, phù hợp; giúp các em hướng đến quá trình thích ứng nghề. Lúc này, phạm vi hoạt động sẽ diễn ra ở trường dạy nghề, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng lao động và đối tượng chủ yếu là thanh niên tự do ở các cộng đồng dân cư, thanh niên xuất ngũ và thanh niên nông thôn trong quá trình đô thị hóa, học sinh phổ thông, học sinh học nghề, người lao động khi chuyển nghề và đổi nghề.
Ba là, không tách rời doanh nghiệp. Thực tế những năm gần đây, cam kết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp không còn là vấn đề mới. Tuy nhiên, cam kết bằng hợp đồng với phụ huynh và học sinh, sinh viên 100% ra trường có việc làm như cách làm của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II vẫn là một sự táo bạo.
Do vậy, để giáo dục nghề nghiệp phát triển bền vững thì, cần triển khai một số giải pháp.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp:
Tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, người lao động.
Việc khảo sát nhu cầu đào tạo là rất quan trọng về đào tạo đáp ứng theo nhu cầu xã hội. Tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo về chất lượng, số lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để có kế hoạch đào tạo phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động.
Việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và các đối tượng khác muốn học nghề là một nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Một mặt là để trường có được đầu vào có chất lượng và đủ số lượng cần thiết để tuyển sinh hàng năm. Mặt khác, để giúp các em học sinh thỏa mãn nhu cầu, chọn được nghề phù hợp để học, để có điều kiện phát triển được năng lực nghề nghiệp của mình. Đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành, nghề phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực của doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động.
Xây dựng chương trình đào tạo theo mô đun kỹ năng hành nghề
Chương trình đào tạo là yếu tố có tính quyết định đến chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động. Do vậy, cần chuyển đổi chương trình đào tạo theo mô đun kỹ năng hành nghề để đào tạo theo “cái” mà xã hội cần, không phải đào tạo “cái” nhà trường có.
Với phương thức đào tạo theo năng lực thực hiện, nội dung chương trình đào tạo của mô đun kỹ năng hành nghề được thiết kế tích hợp giữa lý thuyết và thực hành để thực hiện từng công việc của nghề. Phân tích, điều chỉnh, bố trí các nội dung phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động.
Phát triển đội ngũ nhà giáo thích ứng cuộc CMCN 4.0
Trước bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 đã làm thay đổi cơ cấu ngành nghề, kiến thức gia tăng mỗi ngày, nhu cầu học tập ngày càng đa dạng, công nghệ chủ chốt sẽ thay đổi nhu cầu lao động, chương trình đào tạo module và dạy học tích hợp. Do vậy, cơ cấu ngành nghề đào tạo, xu hướng nghề nghiệp trong tương lai đã được hình thành.
Thay đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo: Nhiều ngành nghề cũ sẽ mất đi và ra đời một số ngành nghề mới, nhiều ngành nghề có nguy cơ con người không làm chủ, tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo thay thế con người.
Đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp:
Hoàn thiện cơ chế đặt hàng đào tạo các trình độ để đảm bảo công bằng về chất lượng đào tạo giữa các trường.
Đặt hàng đào tạo là hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo đảm bảo tính công bằng trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, sẽ làm thay đổi nhận thức toàn diện trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung, từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng về đào tạo theo nhu cầu. Bắt buộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới đào tạo phù hợp với cơ chế đặt hàng, khi đó sẽ phân tầng được chất lượng đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Từ đó sẽ xác định được thế mạnh của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đầu tư cải tiến các quy trình đào tạo, hỗ trợ những điểm yếu trong đào tạo, khắc phục những bất cập để dần cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển nhân lực của quốc gia.
Đẩy mạnh tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục nghề nghiệp có chức năng đào tạo nhân lực trực tiếp sản xuất cho các lĩnh vực hoạt động trong nền kinh tế quốc dân. Ở mỗi giai đoạn, giáo dục nghề nghiệp đều có mục tiêu đào tạo phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là một xu thế tất yếu; nhưng dường như các quyền này chưa được quan tâm. Do vậy, đẩy mạnh tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp là khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, làm tiền đề để triển khai hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục các hạn chế trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần có một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, tiên tiến, hình thành một môi trường giáo dục, học tập thông minh, thân thiện hướng đến người học, đảm bảo việc tiếp cận các gói đào tạo phù hợp. Đồng bộ hóa việc quản lý đào tạo từ cơ quan quản lý đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người học nhằm đảm bảo kết nối liên thông trong các hoạt động đào tạo, giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp, đảm bảo dự liệu lao động được kết nối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đẩy mạnh số hóa chương trình đào tạo, tài liệu học tập. Thực hiện dạy học số, quản lý theo hướng số hóa, mô phỏng hóa các hoạt động đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong quản trị nhà trường, từ việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, mô phỏng hóa trang thiết bị và bài giảng, đánh giá kết quả học tập, quản lý văn bằng, chứng chỉ, thích ứng với nền giáo dục 4.0. Hình thành cơ chế khuyến khích và bắt buộc cán bộ giáo viên, học sinh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, học tập, nghiên cứu.
Kết luận
Để cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển đáp ứng thị trường lao động, đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả nhất thì việc vận dụng giải pháp đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá là rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, vì lợi ích chung của đơn vị cần có cơ chế bảo vệ những người lao động, cán bộ lãnh đạo có tư tưởng đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
TS. Bùi Văn Hưng
(Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II)
Bình luận (0)