Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sân khấu TP.HCM thêm nhiều điểm diễn mới

Tạp Chí Giáo Dục

Sân khấu cả nước dù trong giai đoạn khó khăn, nhưng lạ lùng thay, tại TP.HCM vẫn xuất hiện những điểm diễn mới. Mỗi điểm diễn ra đời mang lại những niềm vui, hy vọng cho bộ mặt văn hóa của thành phố.

Đi tìm cái mới

Đầu tiên có thể nhắc đến sân khấu mới của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. Ông thành lập Nhà hát Thanh Niên, đặt trong khuôn viên Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM (Q.1), đã đi vào hoạt động hai tháng nay, vé bán đắt như tôm tươi. Với vị trí quá đẹp ngay trung tâm thành phố, lại có nhiều người trẻ đến sinh hoạt, thì nhà hát này có triển vọng rất lớn.

Ông Huỳnh Anh Tuấn nói: “Tôi đã có một sân khấu IDECAF rất ổn định rồi, nhưng tôi vẫn thích đi tìm cái mới trong nghệ thuật. Nhà hát Thanh Niên sẽ là nơi cho tôi thực hiện ước mơ. Đầu tiên là mới trong dàn dựng, diễn xuất, sao cho ngắn, gọn, sinh động, hiện đại. Thậm chí tôi dựng cả cải lương với cách thức mới, không chạy theo “ngôi sao” mà vẫn phải đảm bảo chất lượng và dứt khoát hạ giá vé chỉ còn vài trăm ngàn thì khán giả mới theo đuổi dài lâu được. Thứ hai, là tạo một thế hệ khán giả mới, vì thế hệ các em thiếu nhi xem Ngày xửa ngày xưa của IDECAF nay đã lớn, cần có món ăn mới cho các em, và thu hút thêm các khán giả trẻ khác. Không có khán giả mới thì sân khấu sẽ chết”.

Sân khấu TP.HCM thêm nhiều điểm diễn mới - ảnh 1

Vở 12 bà mụ vừa tái dựng và cực kỳ ăn khách tại Nhà hát Thanh Niên. Ảnh: Hoàng Kim

Điều đặc biệt đáng chú ý là Nhà hát Thanh Niên sẽ ưu tiên cho nhạc kịch, một thể loại vừa tốn kém vừa khó sáng tác. Nhưng ông Huỳnh Anh Tuấn không sợ. Ông nói anh em nghệ sĩ từng diễn ở IDECAF với mấy chục vở nhạc kịch, ca múa đều giỏi, và thế hệ diễn viên trẻ sau này cũng phải học ca múa, làm quen với nhạc kịch như một xu thế tất yếu. Những vở đã và sắp công diễn nơi đây như 12 bà mụ, Tiên Nga, Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Em em chị chị… đều là nhạc kịch. Và cải lương sẽ có Quân tử cầm (cảm tác từ phim Song Lang), 8 người đàn bà đều làm theo phong cách hiện đại.

Sân khấu Minh Nhí cũng vừa ra mắt tại rạp Vườn Lài (Q.10). Việt Hương là người đồng hành với Minh Nhí. Cả hai nghệ sĩ này đều có thế mạnh về hài, nên sẽ khai thác hài, bên cạnh đó còn nhiều “món” khác. Minh Nhí từng tâm sự: “Hài kịch cũng có vai trò quan trọng bởi nó không chỉ giúp người ta thư giãn, mà còn châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội, góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách sống, sao cho tử tế hơn, văn minh hơn. Vấn đề là mình làm hài sao cho hay, cho mới. Nhưng tôi cũng sẽ dựng những vở bi kịch, chính kịch để diễn viên trẻ rèn nghề”. Thực tế sân khấu bây giờ phải sử dụng diễn viên trẻ bởi không phải lúc nào cũng có các “ngôi sao”, thì chuyện rèn nghề cho người trẻ là điều cần thiết. Chưa kể, Minh Nhí đang đào tạo rất nhiều học trò, thì tất nhiên anh phải tìm đất cho các em phát triển. Và anh còn nói sẽ phục vụ công chúng cả cải lương, tuồng cổ, ca nhạc, múa.

Sân khấu TP.HCM thêm nhiều điểm diễn mới - ảnh 2

Vở Ai tư vãn của Sân khấu UEH do học trò của NSND Hồng Vân biểu diễn

Hướng tới khán giả trẻ

NSND Hồng Vân vừa kết hợp với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thành lập Sân khấu UEH (Q.3) là một dạng sân khấu học đường khá cần thiết trong tình hình hiện nay. Nơi đây hầu như chỉ toàn diễn viên trẻ là những học viên do sân khấu Hồng Vân đào tạo và khán giả cũng toàn là sinh viên, học sinh từ các trường trung học, đại học. Như vậy UEH là nơi luyện nghề cho thế hệ diễn viên trẻ, cũng là nơi tiếp cận sân khấu cho khán giả trẻ. Bởi với giá vé 250.000 đồng ở các sân khấu khác thì nhiều em sinh viên không dám bước tới rạp, nhưng với giá vé 50.000 đồng như Hồng Vân ấn định thì các em dễ dàng thưởng thức một vở kịch.

Sân khấu có thêm điểm diễn mới cho thấy nghị lực của nghệ sĩ, họ yêu nghề, không bỏ cuộc, cố gắng đi tìm khán giả bằng nhiều cách thức mới. Sân khấu còn hy vọng sáng đèn nhờ những tâm huyết này, nhờ lực lượng xã hội hóa này.

Đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu

Điều đáng chú ý ở đây là Hồng Vân ưu tiên cho kịch sử và kịch văn học. Chị nói: “Lớp trẻ giờ ít quan tâm tới sử, thậm chí ghét môn sử. Tôi muốn góp một chút sức cho các em tiếp cận sử theo một “kênh” khác, chính là “kênh” nghệ thuật sân khấu, biết đâu các em dễ tiếp nhận hơn, và sẽ nảy sinh tình yêu với lịch sử”. Quả thật, vở đầu tiên bán vé rất tốt là Ai tư vãn, một vở kịch nói về Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân, khá bám sát chính sử, hư cấu được chấp nhận, các em xem sẽ dễ thuộc, dễ nhớ. Còn nhiều vở tốt nghiệp khác có thể bán vé, như Dương Vân Nga, Số đỏ… chứng tỏ sân khấu này có lực để đi đường dài.

Một sân khấu khác cũng mới ra mắt tại Q.Bình Tân, là Sân khấu Viễn Đông của đạo diễn Thanh Tú. Anh cũng chủ trương mở lớp đào tạo diễn viên trẻ rồi biểu diễn cho khán giả trẻ xem với giá rất mềm và cũng quan tâm đến sân khấu học đường. Thanh Tú nói: “Chúng tôi đang chuẩn bị vở kịch sử để diễn tại các trường học. Sử đang là vấn đề ưu tư của nhiều người, hy vọng góp chút sức cho lớp trẻ yêu mến sử nước nhà”.

Đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu nhận định: “Sân khấu có thêm điểm diễn mới cho thấy nghị lực của nghệ sĩ, họ yêu nghề, không bỏ cuộc, cố gắng đi tìm khán giả bằng nhiều cách thức mới. Sân khấu còn hy vọng sáng đèn nhờ những tâm huyết này, nhờ lực lượng xã hội hóa này”.

Theo Hoàng Kim/TNO

Bình luận (0)