Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được thỏa thuận chung giúp Mỹ tránh vỡ nợ và đồng ý thảo luận thường xuyên trong những ngày tới
Tổng thống Biden cho biết sau cuộc gặp: "Chúng tôi nhất trí rằng cách duy nhất để tránh vỡ nợ là hướng đến thỏa thuận lưỡng đảng một cách thiện chí".
Sau cuộc thảo luận với Tổng thống Biden tại Nhà Trắng, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cho hay hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc thảo luận "hiệu quả" và sẽ nói chuyện hằng ngày với ông Biden cho đến khi thỏa thuận được ký kết.
Tỏ ra lạc quan, ông McCarthy tin rằng hai bên sẽ có được tiếng nói chung, giúp nền kinh tế Mỹ vững mạnh hơn và giải quyết vấn đề trần nợ. Theo hãng tin Reuters, ông McCarthy một lần nữa nhấn mạnh sẽ chỉ nâng trần nợ nếu chính phủ cắt giảm chi tiêu.
Trong khi đó, chính quyền ông Biden kêu gọi tăng trần nợ công mà không kèm điều kiện, đồng thời tăng thuế người giàu và các tập đoàn lớn để tăng nguồn thu của chính phủ, giải quyết vấn đề nợ quốc gia.
Tổng thống Joe Biden đàm phán về trần nợ công với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy ở Nhà Trắng hôm 22-5. Ảnh: Reuters
Cả hai bên sẽ phải cân nhắc bất kỳ sự nhượng bộ nào trước áp lực từ các phe phái theo đường lối cứng rắn trong chính đảng của họ. Một số thành viên Đảng Cộng hòa có lập trường cứng rắn đã kêu gọi ngừng đàm phán.
Ông McCarthy, người đã nhượng bộ nhiều với những người theo đường lối cứng rắn cánh hữu để bảo đảm vị trí Chủ tịch Hạ viện, có nguy cơ bị các thành viên trong đảng loại khỏi vị trí nếu họ không đồng thuận về thỏa thuận mới mà ông đàm phán với Đảng Dân chủ.
Nợ công của Mỹ đã chạm mức trần 31.400 tỉ USD và các quan chức đã cảnh báo nếu không sớm nâng trần nợ, nước này có thể cạn tiền mặt và hết khả năng vay thêm để thanh toán các hóa đơn chính phủ sớm nhất là vào ngày 1-6.
Theo Bloomberg Economics, bế tắc về trần nợ công có khả năng gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế Mỹ sau một loạt đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Cuộc họp tại Nhà Trắng diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gửi bức thư thứ 3 tới Quốc hội trong những tuần qua, kêu gọi các nhà lập pháp hành động "càng sớm càng tốt". Bộ trưởng Tài chính hôm 22-5 cảnh báo rằng bế tắc chính trị dẫn đến những hậu quả trong thế giới thực.
Bà Yellen cho rằng: "Nếu Quốc hội không tăng trần nợ công, điều đó sẽ gây khó khăn nghiêm trọng cho các gia đình Mỹ, gây tổn hại đến vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và làm dấy lên hoài nghi về khả năng bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ".
Các nhà kinh tế cũng dự báo nếu chính phủ Mỹ không thanh toán được các khoản vay, kịch bản này có thể dẫn đến suy thoái kinh tế và hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ, kéo theo lãi suất cao hơn và căng thẳng đối với nền kinh tế tổng thể.
Thị trường biến động Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng (CEA) cảnh báo vào đầu tháng này rằng một vụ vỡ nợ của Mỹ có thể kéo theo thị trường chứng khoán giảm 45% và tạo ra suy thoái sâu giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngoài ra, CEA dự báo hàng triệu người sẽ mất việc và suy thoái kinh tế nghiêm trọng sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái lớn. Các dự đoán dựa trên mô phỏng do Nhà Trắng thực hiện về các kết quả có thể xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử 246 năm của nước này. Nếu bế tắc trần nợ tiếp diễn, tác động sẽ nhanh chóng lan rộng sang nền kinh tế thế giới. Thị trường chứng khoán châu Âu đã giảm điểm hôm 23-5 (giờ địa phương) khi các cuộc đàm phán nâng trần nợ công của Mỹ chưa đạt kết quả. Các chỉ số quan trọng trên thị trường chứng khoán châu Á cũng chứng kiến đà giảm trong phiên giao dịch hôm 23-5. Ông Anderson Alves, nhà giao dịch tại Công ty môi giới cung cấp các giao dịch ActivTrades (Anh), nhận định một kết quả tích cực của các cuộc đàm phán nâng trần nợ ở Mỹ có thể dẫn đến sự sụt giảm của giá vàng và tăng điểm trên thị trường chứng khoán. |
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)