Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Cả nước triển khai: Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh – Phòng chống cháy nổ

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đang dập một đám cháy

Theo số liệu tổng hợp từ 63 tỉnh thành phố trong cả nước, năm 2008 xảy ra 5.830 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 6.033 người bị nạn, có 510 vụ TNLĐ nghiêm trọng. Thiệt hại về vật chất do TNLĐ năm vừa qua là 197,5 tỷ đồng và tổng số ngày nghỉ do TNLĐ lên đến 197.480 ngày. Các địa phương xảy ra nhiều TNLĐ chết người là TP.HCM, Quảng Ninh, Đồng Nai và Bình Dương. TNLĐ chết người xảy ra nhiều ở lĩnh vực xây lắp dân dụng, công nghiệp, giao thông, khai thác khoáng sản; sản xuất vật liệu và cơ khí chế tạo.
Ô nhiễm môi trường vượt chuẩn cho phép
Theo phân tích từ cơ quan chức năng, nhiều vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở cả công trường khai thác đến công trường xây dựng và các khu công nghiệp. Về tình hình sức khỏe và môi trường lao động, cơ quan chức năng tiến hành đo kiểm tra các mẫu tiêu chuẩn về môi trường; trong tổng số 372.888 mẫu, có 48.648 mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép (chiếm 13,04%) tăng 3,8% so với năm 2007, chủ yếu là yếu tố rung, ồn, ánh sáng, bụi và vi khí hậu. Đồng thời, các địa phương tiến hành khám 12/25 loại bệnh nghề nghiệp (BNN) cho 103.859 người, trong đó 1.037 trường hợp được chẩn đoán mắc BNN. Trong năm 2008, có 24.175 người mắc BNN. Một số BNN có tỷ lệ cao như: bụi phổi – silic chiếm 74,1%; bệnh điếc do tiếng ồn chiếm 16,01%; có 6.807 vụ nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, với 7.572 nạn nhân, số tử vong là 137 người. So với năm 2007 số trường hợp bị nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật tăng 1,4 lần, số người tử vong tăng 1,2%. Nguyên nhân của các trường hợp nhiễm độc là do chủ ý chiếm đến 5.724 ca, (75,7%), có 125 ca tử vong (91,2%). Những trường hợp ăn uống nhầm có 453 ca, 8 trường hợp tử vong. Số trường hợp nhiễm độc do lao động là 373 ca, có 4 trường hợp tử vong.
Song song đó, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy – Bộ Công an cũng tiến hành thống kê các số liệu trong năm 2008, cả nước xảy ra 1.993 vụ cháy, 30 vụ nổ. Trong đó 1.734 vụ cháy cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nhà máy, kho tàng, nhà dân, công sở và 259 vụ cháy rừng. Cháy nổ đã làm chết 59 người, bị thương 234 người, thiệt hại tài sản ước tính trị giá 609,7 tỷ đồng và 1.500 ha rừng. Người chết tăng 9 người, bị thương tăng 30 người; thiệt hại về tài sản tăng 185,65 tỷ đồng (43,9%), so với 2007.
Cả nước cùng hưởng ứng…
Kể từ năm 1999 đến nay, Thủ tướng Chính phủ hàng năm đều chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ – PCCN) từ trung ương đến các điạ phương triển khai tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ- PCCN. Được biết, Việt Nam đã tham gia 16 công ước có liên quan về an toàn – vệ sinh lao động của Tổ chức Lao động quốc tế và được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cùng các quốc gia thành viên ASEAN đánh giá Việt Nam có những hoạt động thiết thực, theo hướng tuân thủ luật pháp quốc tế và đã lựa chọn Việt Nam để phối hợp tổ chức một số hội nghị cấp quốc tế và khu vực. Năm 2008, công tác quản lý nhà nước về an toàn – vệ sinh lao động cả nước được các cấp, các ngành và địa phương đặc biệt chú trọng. Hệ thống chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người bị TNLĐ, BNN được chú ý đầu tư hơn; các hoạt động cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong nông nghiệp cũng được triển khai sâu rộng hơn. Trung ương phối hợp với Ban chỉ đạo các địa phương tổ chức thành công 10 lần, Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ – PCCN (từ năm 1999 đến 2008).
Năm nay, cả nước tiếp tục tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ – PCCN lần thứ 11 năm 2009. Thời gian phát động Tuần lễ lần thứ 11 được tổ chức vào sáng 15-3-2009 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với chủ đề: “Nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm và tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong công tác ATVSLĐ – PCCN”.
Phương Vy

Bình luận (0)