Sự kiện giáo dụcTin tức

Hơn 4.400 người đi du học bằng ngân sách chưa trở về làm việc: Sửa đổi quy định bồi hoàn kinh phí

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, số lượng học viên mà Bộ GD&ĐT cử đi học bằng ngân sách nhà nước thì 4.471 người chưa trở về nước làm việc dù đã đến hạn.

Bộ GD&ĐT cho biết giai đoạn 2013-2022, Bộ đã cử 11.657 người (4.049 người đi học tiến sĩ, 1.877 người đi học bậc thạc sĩ, 5.070 học sinh đi học đại học và 661 thực tập sinh đi học ở nước ngoài tại hơn 40 nước trên thế giới. Trong số đó số lượng giảng viên, viên chức tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng được cử đi học ở nước ngoài là 3.535 người (3.225 người đi học tiến sĩ, 258 người đi học bậc thạc sĩ, 52 thực tập sinh).

Đến hết năm 2022 đã có khoảng 7.186 người tốt nghiệp, về nước.

Hơn 4.400 người đi du học bằng ngân sách chưa trở về làm việc: Sửa đổi quy định bồi hoàn kinh phí ảnh 1

Nhiều lưu học sinh đi du học bằng ngân sách nhà nước không trở về làm việc. Ảnh: minh họa

Theo quy định của Chính phủ, du học sinh sau khi tốt nghiệp được trở về cơ quan công tác (trường hợp có cơ quan công tác) và có trách nhiệm đóng góp cho đơn vị cử đi theo quy định. Đối với trường hợp không có cơ quan công tác, một số sẽ xin tiếp tục ở lại nước ngoài học lên trình độ cao hơn, một số về nước sẽ được Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực của Bộ GD&ĐT giới thiệu việc làm hoặc giới thiệu về các cơ quan, địa phương, trường đại học đã cử du học sinh đi học có nhu cầu tuyển dụng. Trường hợp du học sinh không hoàn thành khóa học, không thực hiện quy định của người được hưởng học bổng ngân sách nhà nước phải thực hiện xét bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định hiện hành.

Chính phủ đã ban hành các quy định xử lý bồi hoàn chi phí đào tạo đối với du học sinh đi học ở nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước. Đối với du học sinh có cơ quan công tác thuộc diện bồi hoàn chi phí đào tạo sẽ do cơ quan quản lý trực tiếp của du học sinh thực hiện xử lý và thu hồi chi phí. Đối với du học sinh không có cơ quan công tác sẽ do cơ quan nhà nước cấp học bổng cho du học sinh thực hiện xử lý và thu hồi chi phí. Du học sinh được học bổng ngân sách nhà nước do Bộ GD&ĐT quản lý về cơ bản học xong về nước, một số không hoàn thành khóa học hoặc đã tốt nghiệp nhưng xin thôi việc hoặc chuyển cơ quan công tác.

Trong danh sách du học sinh phải bồi hoàn hiện nay, tỷ lệ thu hồi chi phí đào tạo đạt khoảng 40% do có du học sinh không có khả năng hoàn trả hoặc xin hoàn trả dần. Đối với trường hợp chưa thu hồi được chi phí, Bộ GD&ĐT thường xuyên có văn bản nhắc nhở cơ quan quản lý trực tiếp của du học sinh, phối hợp các cơ quan có liên quan, Đại sứ quán Việt Nam nước sở tại, địa phương nơi du học sinh cư trú, cung cấp thông tin cho Cục A03 – Bộ Công an để yêu cầu du học sinh bồi hoàn.

Về đề xuất giải pháp thu hồi chi phí đào tạo đối với du học sinh học bổng ngân sách nhà nước, Bộ GD&ĐT cho biết Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về bồi hoàn chi phí đào tạo. Cụ thể, bổ sung quy định cho phép du học sinh hoàn trả chi phí theo nhiều đợt phù hợp hoàn cảnh của cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, bổ sung thêm chế tài xử phạt đối với trường hợp không chấp hành quyết định bồi hoàn chi phí đào tạo. Việc bổ sung các chế tài xử phạt cần có sự phối hợp của các cơ quan có liên quan.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Bình luận (0)