Trong tuần làm việc thứ 4 của kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) có phiên thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Theo đó, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu (ĐB) QH là vấn đề phòng chống các hành vi lừa đảo trên không gian mạng…
Đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang – phát biểu tại phiên thảo luận
Tội phạm mạng phức tạp và khó xử lý
ĐB Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước – cho biết, số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet được phát hiện gia tăng – thời gian qua đã xử lý 1.600 vụ, 478 đối tượng, tăng 203,62% số vụ và tăng 48,91% số đối tượng. Vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn như sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen. Việc sử dụng SIM rác, tin nhắn rác vẫn chưa thực sự hiệu quả.
“Nhiều hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng không được xử phạt kịp thời. Từ thực tiễn hiện nay cho thấy, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang rất phức tạp, nhất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng”, ĐB Sang bức xúc.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình – cho rằng, thời gian qua, chúng ta liên tục nghe các phương tiện thông tin đại chúng đề cập về những hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Bản thân mỗi ĐB cũng đã từng ít nhất 1 lần nhận những cuộc gọi lừa đảo hay tin nhắn rác. Trong bối cảnh công nghệ số toàn cầu, các ứng dụng trên nền tảng số ngày càng phát triển, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng sẽ ngày càng gia tăng.
Mặc dù tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong xã hội nhưng theo ĐB Lý Văn Huấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên – thì, việc điều tra, khám phá loại tội phạm này chiếm tỷ lệ thấp và thường kéo dài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song nguyên nhân chủ yếu và căn bản là tình trạng quản lý, sử dụng các tài khoản của các cá nhân, tổ chức tín dụng chưa được chặt chẽ.
“Việc mua bán các tài khoản vẫn diễn ra công khai trên mạng xã hội, dùng giấy chứng minh nhân dân giả để mua tài khoản, sau đó bán kiếm lời. Công tác quản lý của các tổ chức tín dụng trong việc phát hành tài khoản chưa chặt chẽ. Chính vì lý do trên, các đối tượng phạm tội đã sử dụng những tài khoản này để chuyển tiền nhằm hợp pháp hóa đồng tiền sau khi chiếm đoạt”, ĐB Huấn phân tích.
Cũng theo ĐB Huấn, việc cơ quan chức năng điều tra loại tội phạm lừa đảo qua mạng gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì các chủ tài khoản này có địa chỉ ở nhiều tỉnh khác nhau. Thậm chí bản thân các chủ tài khoản cũng không biết ai đang sử dụng tài khoản của mình. Chính vì vậy, việc điều tra thường không xác định được bị can, dẫn đến vụ án kéo dài phải tạm đình chỉ.
ĐB Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang – khẳng định, tỷ lệ điều tra xử lý và thu hồi tài sản đối với hành vi này rất thấp. Nguyên nhân là do phương thức thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, phức tạp; các đối tượng đều có kiến thức sâu về công nghệ thông tin nên rất khó trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ điện tử dễ bị tẩy xóa, khó khôi phục và thường có yếu tố nước ngoài.
Quản lý chặt chẽ việc phát hành các tài khoản
Đây là một trong những giải pháp được các ĐBQH đưa ra nhằm hạn chế lừa đảo trên không gian mạng.
ĐB Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang – nhấn mạnh, Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp để tập trung đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm mới này. Nhưng thực tế hiện nay, việc thực hiện quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng còn lúng túng. Biểu hiện là có nhiều hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng nhưng không được cơ quan quản lý Nhà nước xử phạt kịp thời.
Theo đó, ĐB đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tổng thể với các hành vi vi phạm cũng như thực tế công tác quản lý Nhà nước; trong đó tập trung vào việc xử phạt hành chính của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm trên không gian mạng. Đây là cơ sở vững chắc để thực hiện việc đấu tranh phòng chống tội phạm trên không gian mạng ngày một hiệu quả hơn.
ĐB Huấn cũng đề nghị, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ trong việc phát hành các tài khoản. Theo ĐB, mặc dù Bộ luật Hình sự đã có quy định nhưng chưa chặt chẽ, cơ chế chưa đảm bảo, do đó cần có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp mua, bán tài khoản, làm giả giấy tờ để mở tài khoản tại ngân hàng. Đồng thời tăng cường công tác quản lý các tổ chức tín dụng đối với những tài khoản đã phát hành, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ việc mở tài khoản của các tổ chức tín dụng.
ĐB Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh – kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành tiếp tục ban hành chính sách, biện pháp cụ thể đảm bảo an ninh, trật tự trong phát triển các lĩnh vực khoa học, công nghệ nhằm phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó có quy định chi tiết một số điều về Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ. Đồng thời cần có giải pháp nâng cao nhận thức cho bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin. Nâng cao ý thức sử dụng các dịch vụ thông tin, nhất là nguồn thông tin từ nước ngoài; nâng cao khả năng nhận biết, tiếp nhận thông tin, khả năng tự vệ, miễn dịch trước những thông tin độc hại đối với người dùng, sinh viên, học sinh.
ĐB Cao Mạnh Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa – cho rằng, đời thực có các loại vi phạm pháp luật, tội phạm gì thì đều xảy ra trên không gian mạng… Điều đáng nói, ngoài sự đa dạng, phức tạp thì tính chất, mức độ của tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng nguy hiểm hơn ngoài đời thực bởi tính không biên giới của môi trường mạng, đối tượng phạm tội có thể ở bất cứ đâu, kể cả ở nước ngoài. Bên cạnh đó, do sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng thường đi trước một bước. Do vậy, nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì khi hậu quả xảy ra rất khó xử lý. Nhiều trường hợp khi người bị hại tố giác thì đối tượng đã kịp xóa dấu vết và tẩu tán tài sản do phạm tội mà có.
Theo đó, ĐB Linh đề nghị cần tiếp tục chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân nhận biết, nhận diện được phương thức, thủ đoạn của tội phạm để chủ động phòng ngừa. Đồng thời cần tiếp tục phát huy vai trò của người dân mà trực tiếp là người dùng trên không gian mạng trong công tác phòng ngừa, phát hiện các vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng. Cần xây dựng cơ chế để người dân có thể cung cấp thông tin thuận tiện, đơn giản, phù hợp như lập số điện thoại đường dây nóng, cung cấp địa chỉ báo tin, lập hòm thư điện tử, lập tài khoản mạng xã hội…
Thùy Linh
Bình luận (0)