Curiosity rover, robot thám hiểm sao Hỏa dạng xe tự hành của NASA đã khám phá ra một dạng chất hữu cơ tương đồng với thứ có trong nấm và vi sinh vật cổ trên Trái đất.
Nhóm nghiên cứu đúng đầu bởi tiến sĩ Schulze-Makuch, nhà sinh vật học từ Đại học Bang Washington (Mỹ) và tiến sĩ Jacob Heinz từ Đại học Công nghệ Berlin (Đức) cho biết thứ mà robot săn sự sống của NASA tìm được chính là thiophenes, một loại chất hữu cơ. Ở Trái đất, thiophenes được tìm thấy trong nấm cục trắng, hóa thạch vi sinh vật cổ đại, thậm chí trong than và dầu thô.
Sao Hỏa có nhiều dạng chất hữu cơ kỳ lạ, có loại tương đồng Trái đất
Vì vậy, các nhà khoa học tin rằng sự hiện diện của thiophenes là bằng chứng cho sự sống từng tồn tại trên sao Hỏa sơ khai. Đáng chú ý, thiophenes chỉ là một trong số nhiều dạng chất hữu cơ kỳ lạ mà chú robot của NASA đã tìm thấy trong trầm tích hành tinh đỏ.
Nghiên cứu vừa công bố trên Astrobiology cho thấy thiophenes đại diện cho một quá trình sinh học rất có thể liên quan tới vi khuẩn. Không loại trừ nguồn gốc phi sinh học của chất hữu cơ này, tức bị một thiên thạch bí ẩn mang tới. Tuy nhiên dựa vào các bằng chứng trước đó về lịch sử sao Hỏa, giả thuyết thiophenes có nguồn gốc từ sự sống sao Hỏa vững chắc hơn nhiều.
Cụ thể, các nghiên cứu cho thấy 3 tỉ năm trước, sao Hỏa ấm và ẩm ướt hơn. Thời tiết này thúc đẩy vi khuẩn tạo ra quá trình khử sulfate, tạo ra thiophenes.
Để mọi sự rõ ràng hơn, nhóm nghiên cứu trông chờ vào một "chiến binh săn sự sống" khác của NASA mang tên Rosalind Franklin, dự kiến ra mắt vào tháng 7 năm nay. Khi đến sao Hỏa, nó sẽ mang theo Máy phân tích phân tử hữu cơ sao Hỏa (MOMA), cho phép thu thập các phân tử lớn hơn để xem xét các đồng vị carbon và lưu huỳnh, giúp họ "nhìn" rõ hơn sinh vật sao Hỏa trong quá khứ.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)