Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Vì sao xe buýt gây tai nạn?

Tạp Chí Giáo Dục

Một chiếc xe buýt bị lạc tay lái trên xa lộ Hà Nội. Ảnh: Công Việt

Theo Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, trong năm 2008 trên địa bàn TP xe buýt đã gây ra 38 vụ TNGT, làm chết 38 người và bị thương 7 người. Có 60% xe buýt chạy với tốc độ quá nhanh, ẩu và lưu thông lấn tuyến; 45% không dừng hẳn, không dừng sát lề để đón trả khách.
Cần quan tâm đến đạo đức người lái xe
Chỉ trong 6 ngày cuối tháng 3-2009, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 3 vụ TNGT làm chết người do xe buýt gây ra. Vụ thứ nhất vào sáng ngày 26-3, ông Hoàng Bình Dương (ngụ phường 6, quận 8) chở con là Hoàng Văn Phương và cháu là Phạm Hoàng Sang (17 tuổi) đến trường. Lúc lưu thông trên đường Phạm Thế Hiển, xuôi chiều vòng xoay (gần cầu Nhị Thiên Đường) đã bị xe buýt lưu thông theo hướng ngược lại đụng, tai nạn làm ông Dương và em Sang tử vong tại chỗ, em Hoàng Trúc Phương tử vong tại bệnh viện do bị sốc đa chấn thương, mất máu không hồi phục được. Đến ngày 30-3 vào khoảng 9 giờ 30 trên QL1A (đoạn ngã tư Gò Dưa, phường Tam Bình, quận Thủ Đức), xe buýt số 53N-6854 chạy tuyến Sài Gòn – Suối Tiên của HTX vận chuyển khách Rạng Đông do lái xe Nguyễn Văn Phước (47 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) cầm lái, khi đến trước chợ đầu mối Tam Bình xe buýt này đột ngột tấp vào bên phải để ghé trạm. Anh Lê Công Bình (sinh năm 1981, quê Nghệ An), đang điều khiển xe gắn máy ở bên phải xe buýt đã tìm cách thoát ra ngoài đường để vượt qua xe buýt nhưng bị vướng vào xe tải chạy từ phía sau tới, té xuống đường và tử vong tại chỗ. Vụ thứ 3, sáng ngày 31-3 xe buýt mang biển số 53N-7148 do lái xe Phan Văn Toại (ngụ phường 8, quận 3) đã cán nát chân bà Trần Ngọc (sinh năm 1938, ngụ 812 chung cư Phan Văn Trị, đường Lê Hồng Phong, quận 5).
Những năm gần đây xe buýt được xem là phương tiện vận chuyển hành khách công cộng ưu tiên số 1, được các ngành, các cấp quan tâm, phát triển xe buýt nhằm tiến tới giảm dần xe cá nhân, giảm hiện trạng ùn tắc giao thông như hiện nay. Cũng từ đó phát sinh nhiều luồng ý kiến khác nhau, mối quan tâm nhất vẫn là tình trạng: phóng nhanh, vượt ẩu, ép xe gắn máy 2 bánh, bỏ trạm, phân biệt đối xử với vé tháng, vé tập, lời nói cử chỉ thiếu văn hóa, thậm chí đánh nhau giữa tài xế nhân viên xe buýt HTX này với đơn vị khác. Trước đây xe ben, xe tải được xem là “xe vua”, nhưng nay khi nhắc tới xe buýt thì người dân lại ngán ngẩm và cho rằng “xe vua”, vua trên đường (ưu tiên vào đường cấm, đi vào làn xe gắn máy) và vua cả trên văn hóa ứng xử.
Nguyên nhân và thực trạng
Trên địa bàn TP.HCM hiện nay có gần 7.000 tài xế và nhân viên phục vụ trên 3.227 xe buýt chạy trên 151 tuyến đường khác nhau. Trong đó có 46 tuyến xe buýt không có trợ giá. Với 28 hợp tác xã và 3 doanh nghiệp.
Tình trạng TP có nhiều lô cốt, rào chắn mọc lên khắp nơi, việc ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày, xe buýt chạy không đúng giờ là chuyện diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên nếu trễ chuyến (không đúng giờ), bỏ trạm sẽ bị phạt, một số tài xế cho rằng họ chạy ẩu là do áp lực sợ bị phạt. Đáng ngạc nhiên hơn số tiền phạt này rất cao, chỉ trong năm 2008 đã lên tới gần 3 tỷ đồng, và Trung tâm Vận tải hành khách công cộng lại được hưởng 30%. Số tiền này Trung tâm dành cho việc khen thưởng (!?). Có dư luận cho rằng vì muốn được nhiều tiền phạt nên Trung tâm Vận tải hành khách công cộng đưa ra nhiều điều khoản phạt bất hợp lý mà cánh tài xế, nhân viên xe buýt nhiều lần phản ảnh nhưng không có kết quả, và hệ quả đau lòng là họ chấp nhận sống chung với “quy định phạt” để phóng nhanh, vượt ẩu, không bị trễ giờ, trễ chuyến và sẵn sàng bỏ trạm bất cứ lúc nào.
Tại cuộc họp đầu tháng 4-2009, về việc củng cố hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ xe buýt: Ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã quyết định bỏ hình thức xử phạt trễ giờ, hủy chuyến đối với các đơn vị vận tải xe buýt nếu có lý do chính đáng như gặp sự cố, kẹt xe. Ông Phạm Đình Đức, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng cho biết: sắp tới chỉ xử phạt đối với hợp tác xã không đưa đủ xe phục vụ trên tuyến. Ông Đức cũng đề nghị các HTX bỏ hình thức xử phạt đối với xe trễ giờ, trễ chuyến như hiện nay. Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM, yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và có biện pháp cụ thể đối với hoạt động của xe buýt. Ban ATGT TP cũng đề nghị Sở GTVT phối hợp với các đơn vị không chỉ tập huấn đạo đức, nghiệp vụ cho các tài xế xe buýt mà cả tài xế taxi, thậm chí xe tải để hạn chế tối thiểu TNGT do lỗi chủ quan của tài xế gây ra.
Cũng tại cuộc họp các đơn vị, yêu cầu đưa ra xét xử vụ tai nạn chết người do xe buýt gây ra, và cần xử lý nghiêm minh, để làm bài học chung cho tất cả mọi người về việc chấp hành đúng Luật giao thông.
Lê Hữu

Bình luận (0)