Nhiều ý kiến cho rằng việc thừa nhận dạy học trực tuyến không có nghĩa là phủ nhận cách dạy truyền thống, mà sẽ là động lực để các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, giúp học sinh có nhiều hình thức học tập hơn.
Một giờ học trực tuyến của học sinh tại TP.HCM trong những ngày nghỉ dịch Covid-19. Ngọc Dương
Đòi hỏi của thực tế
Tình hình dịch bệnh và nghỉ học kéo dài khiến các nhà trường và mỗi địa phương không thể “ngồi yên” chờ ngày trở lại trường, mỗi nơi đều cố gắng để học “trực tuyến” theo một cách nào đó nhằm duy trì kết nối giữa nhà trường, giáo viên (GV) và học sinh (HS) trong thời gian này. Tuy nhiên, vì đây là hình thức dạy học chưa được công nhận chính thức và điều kiện còn quá khác nhau ở mỗi trường nên mức độ áp dụng cũng rất khác nhau.
Với các trường quốc tế và một số trường tư thục vốn có nền tảng công nghệ thông tin tốt và lâu nay vẫn áp dụng việc dạy học trực tuyến thì việc áp dụng hình thức này trong thời gian HS nghỉ học vì dịch bệnh khá thuận lợi và bài bản.
Ví dụ, lãnh đạo Trường quốc tế Anh (BIS) Hà Nội cho biết việc dạy học e-learning được áp dụng khác nhau ở từng cấp học trong thời gian nghỉ học. Với khối tiểu học và trung học, GV chủ yếu sử dụng những ứng dụng của Google, các nền tảng trực tuyến giúp HS học độc lập cũng như làm việc nhóm. Với các nền tảng này, GV đưa ra bài tập dễ dàng (qua những tập tin và video gửi lên), đồng thời HS có thể trao đổi liên tục với GV để được hướng dẫn và nhận xét về bài tập. Nhờ sự trợ giúp của công nghệ, GV cũng có thể đo lường mức độ tương tác cũng như theo dõi sự tiến bộ của từng HS nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy tương tự như khi các em học tại trường học.
Học sinh tham gia một buổi học trực tuyến. Ngọc Dương
Tại Trường Marie Curie (Hà Nội), trước khi triển khai dạy học trực tuyến, nhà trường đã mời chuyên gia tập huấn khá kỹ cho GV. Cô Phạm Thủy, GV dạy tiếng Anh khối THCS của trường này, cho biết ban đầu cô cũng gặp chút bỡ ngỡ khi làm quen với phương pháp dạy trực tuyến. Tuy nhiên, phương pháp này là cách thay thế hữu ích cho việc dạy và học truyền thống trong giai đoạn HS nghỉ học bất đắc dĩ. “Có HS đáp ứng yêu cầu của thầy cô khá nhanh nhưng có bạn chưa sử dụng thành thạo ứng dụng nên cần thêm thời gian. Do vậy, GV phải có những biện pháp kiểm tra, tăng cường tương tác với HS tránh tình trạng có em bật máy tính, vào lớp nhưng lại không học”, cô Phạm Thủy chia sẻ.
Lượng truy cập vào kho học liệu số tăng đột biến
Tuy nhiên, ở phần lớn các nhà trường thì dù thông báo dạy học “trực tuyến” nhưng trên thực tế chỉ là giao bài, chấm bài qua internet cho HS mà chưa thực sự tổ chức được một lớp học từ xa đúng nghĩa.
Ông Nguyễn Hải Sơn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT, cho biết: Cách đây mấy năm, Bộ cũng đã tổ chức các cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng điện tử e-learning cho GV nhằm nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của GV, đồng thời xây dựng kho học liệu dùng chung toàn ngành, đóng góp hệ tri thức Việt số hóa và giúp HS có thể tự học thông qua mạng internet. Một trong những mục tiêu mà Bộ mong muốn là HS ở vùng khó khăn nhất cũng có thể được học (qua mạng) bài học của những GV dạy giỏi nhất. “Tới nay, kho học liệu số của ngành đã thu thập được khoảng 5.000 bài giảng điện tử để chia sẻ miễn phí trên mạng internet. Qua theo dõi của chúng tôi, trong những ngày vừa qua lượng truy cập vào kho học liệu số của ngành tăng đột biến so với trước đây”, ông Sơn cho biết.
Nếu được thừa nhận sẽ làm tốt hơn
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng tổ chức hình thức ôn thi trực tuyến cho HS lớp 8, 9 để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia mới đạt khoảng hơn 50% do đa số vẫn quen và trông chờ vào những giờ học truyền thống.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho biết với lớp 12 khi nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến thì tỷ lệ tham gia học rất cao, hầu hết các ngày đều hơn 90%. Hằng ngày các GV chủ nhiệm đều tiến hành điểm danh, theo dõi chặt chẽ sĩ số lớp học và tương tác giữa thầy và trò.
“Dạy học trực tuyến thời điểm này thực sự là “cứu cánh” cho HS cuối cấp khi mà toàn bộ trường học và cả các lớp dạy thêm đều đóng cửa dù so với lớp học trực tiếp thì vẫn chưa sát sao bằng vì còn phụ thuộc rất nhiều vào sự tự giác của mỗi HS”, bà Quỳnh cho biết.
Ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Q.Tây Hồ (Hà Nội), cũng cho biết việc áp dụng dạy trực tuyến mới được ưu tiên đầu tư ở khối lớp 9. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận HS không tham gia với nhiều lý do khác nhau, trong đó có những em về quê “trốn dịch” nên việc kết nối không tốt; có những em vì không bắt buộc nên cho rằng bao giờ trở lại trường mới học…
Do vậy, theo ông Hà, việc dạy học trực tuyến mới dừng ở việc củng cố, ôn luyện kiến thức đã học là chủ yếu để tránh thiệt thòi cho những HS không tham gia vào hình thức này. Theo ông Hà, khi nền tảng công nghệ thông tin tốt hơn, GV được tập huấn bài bản và việc dạy học trực tuyến được thừa nhận như một hình thức thay thế thì chắc chắn các trường sẽ có động lực làm tốt hơn. (còn tiếp)
Ý kiến
Thời điểm vàng
Đây là “thời điểm vàng” để nhìn nhận hình thức học tập trực tuyến. Bởi không phải lúc nào cũng có thể tổ chức một lớp học truyền thống với phấn trắng bảng đen cùng sự tương tác trực tiếp giữa thầy và trò. Thêm vào đó, hình thức này cũng đã được thế giới công nhận thì chúng ta cũng nên đi theo xu hướng để HS Việt Nam không bị ngỡ ngàng trong xu thế toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, thực tế cơ sở vật chất của các trường phổ thông chưa thực sự đồng bộ. Có những trường hiện nay còn tồn tại những phòng máy tính khá lạc hậu hoặc HS vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện tiếp xúc với thiết bị hiện đại và có một bộ phận giáo viên chưa tiếp cận, chưa chủ động trong việc dạy nhưng chúng ta không thể chờ đến khi đồng bộ mới thực hiện. Địa phương nào, trường nào thỏa mãn điều kiện cần thì cho thực hiện, chỉ cần chúng ta nhìn nhận nó là hình thức học có tính pháp lý. Đưa ra quan điểm, mục tiêu rõ ràng thì đều có thể triển khai, bước đầu là thí điểm, vận dụng theo giai đoạn…
Nguyễn Thị Liễu
(Trưởng chương trình giáo dục phổ thông cơ sở Ba Tháng Hai và Hoàng Văn Thụ Hệ thống Trường quốc tế Việt Úc VAS) |
Xu hướng của giáo dục hiện đại
Nếu học trực tuyến đã có tính pháp lý thì thời gian vừa qua Bộ GD-ĐT không phải đi lo chuyện thay đổi, điều chỉnh thời gian năm học. Đó là chưa kể đây là xu hướng của các nền giáo dục hiện đại thì hà cớ gì chúng ta không cập nhật. Trong thực tế hiện nay có một số cơ sở giáo dục đã thực hiện phương thức này, vì vậy cơ quan quản lý giáo dục cần có sự ghi nhận để kiểm soát, thẩm định. Chất lượng sẽ do người sử dụng đánh giá và người tiêu dùng sẽ đào thải nếu chương trình nào đó không chất lượng. Ai có gì xài nấy. Dạy học trực tuyến, yếu tố quyết định sự thành công là phương pháp chứ không phải là nền tảng công nghệ. Nền tảng công nghệ là yếu tố hỗ trợ thuận lợi để tiếp cận, triển khai, đánh giá còn phương pháp của người thầy thể hiện việc chia đơn vị kiến thức, tạo động lực cho người học”.
Tô Thụy Diễm Quyên (chuyên gia giáo dục của Microsoft)
Bích Thanh (ghi)
|
Bình luận (0)