Trong trang phục áo phông, giày thể thao hoặc dép lê, nhóm cảnh sát trẻ lượn xe máy khắp phố "săn" những cô cậu học trò đi xe máy đến trường. Khoảng 500 trường hợp vi phạm đã bị xử lý trong 10 ngày qua.
6h sáng 22/9, sau vài phút giao ca chớp nhoáng, 6 cảnh sát giao thông: Trường, Tiệp, Quân, Quang, Sơn và Toàn do trung úy Nguyễn Đức Chung, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 1, chỉ huy được lệnh thay cảnh phục, ăn mặc như thường dân. Họ được điều đến mật phục tại những điểm trông giữ xe quanh các trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Cảnh sát giao thông mặc thường phục trên đường. Ảnh: Xuân Tùng |
Trong trang phục áo phông, sơ mi cộc tay, chân đi giầy thể thao, dép lê, nhóm cảnh sát trẻ, lượn quanh các tuyến đường Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… Nếu phát hiện học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường, không đội mũ bảo hiểm hay đèo 3, họ sẽ dùng bộ đàm, điện thoại thông báo cho lực lượng cảnh sát giao thông chốt trực gần các ngã ba, tư xử lý.
6h30, đang trên đường đến một tụ điểm hay gửi xe máy trên phố Lý Thường Kiệt, Tiệp, Quân, Quang phát hiện chiếc SH do một nam sinh điều khiển, phía sau chở nữ sinh mang phù hiệu học sinh phổ thông, không đội mũ bảo hiểm.
Ngay lập tức cả ba theo sát và dùng điện thoại liên lạc với chốt cảnh sát giao thông gần đó. Khi chiếc xe vừa đi gần đến ngã tư Lý Thường Kiệt – Ngô Quyền thì bị chặn lại. Bị lập biên bản, hai cô cậu học trò khai đều sinh năm 1992, trường THPT Đinh Tiên Hoàng và Đống Đa.
Sau gần một giờ, nhóm cảnh sát mặc thường phục kết hợp với các chốt trực cảnh sát giao thông xử lý gần 10 học sinh THPT chưa đủ tuổi đi xe máy của các trường: Việt Đức, Trần Nhân Tông, Đinh Tiên Hoàng, Đống Đa…
Hai học sinh bị lập biên bản vi phạm. Ảnh: Xuân Tùng |
Trao đổi với PV, trung tá Nguyễn Văn Tòng, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông số 1 cho biết, nếu mặc quân phục thì chỉ trông thấy bóng cảnh sát là học sinh sẽ bỏ chạy, gây nguy hiểm cho người đi đường. Áp dụng biện pháp nghiệp vụ này từ đầu năm học mới, đội đã xử lý hơn 150 học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường. Tất cả trường hợp vi phạm đều bị giam xe 90 ngày và gửi thông báo về trường.
Tuy nhiên, theo trung tá Tòng, mặc dù cảnh sát giao thông đã nhiều lần gửi công văn cho các trường, nhưng không nhận được phúc đáp. Thậm chí, Đội đã cử cán bộ đến trường làm việc nhưng nhiều trường đùn đẩy trách nhiệm. "Lực lượng thiếu, công việc lại nhiều nên chúng tôi không thể bố trí lực lượng làm thường xuyên mà chỉ tranh thủ đầu giờ buổi sáng sau đó lại phân công anh em đi làm việc khác", trung tá Tòng nói.
Thượng tá Đào Vịnh Thắng, Phó phòng cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, theo thông tư 27 của Bộ Công an, cảnh sát giao thông được hóa trang kết hợp với lực lượng tuần tra công khai trong công tác đảm bảo an toàn giao thông.
"Dù mới triển khai, nhưng biện pháp này đang góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh. 10 ngày qua, thành phố đã xử lý khoảng 500 trường hợp vi phạm", ông Thắng nói.
Xuân Tùng (VnExpress)
Bình luận (0)