Chỉ tính riêng trong Tháng an toàn giao thông (ATGT) (tháng 9), lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội đã bắt và xử lý 956 HS, SV vi phạm Luật Giao thông, chiếm 1/5 số vụ vi phạm hàng tháng trên địa bàn thành phố. Danh sách HS, SV vi phạm đã được gửi đến tận tay các trường, và nhà trường cũng đã có những biện pháp đủ mạnh để xử lý HS, SV vi phạm. Thế nhưng, theo nhận định của nhiều người, đây là “bệnh khó giải quyết” của ngành giáo dục thủ đô hiện nay.
Câu chuyện ngoài cổng trường
Đứng đầu danh sách “đen” của thủ đô trong Tháng ATGT vừa qua là HS Trường THPT Phan Đình Phùng với 11 trường hợp vi phạm. Nhà trường đã nhận được báo cáo của lực lượng công an và tiến hành xử lý những trường hợp này. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Kim Phượng, Hiệu phó nhà trường thì trong quá trình tuyên truyền, thực hiện trường cũng có những khó khăn riêng và cô đưa ra câu chuyện cụ thể của trường mình. Ngay tại cổng Trường Phan Đình Phùng có hai vợ chồng người dân sống gần đó thuộc thành phần xã hội không bình thường (lời cô Phượng). HS của trường cứ đến cổng trường, kể cả xe máy xe đạp cũng đều bị hai đối tượng này “túm lại” bắt gửi vào bãi xe do chúng dựng ra ngay sát cổng trường. Bản thân cô cũng có lần từng bị hai đối tượng này “bắt nhầm”. Trường cũng đã tìm mọi cách để hạn chế tầm ảnh hưởng của hai đối tượng trông giữ xe kia như yêu cầu HS đi xe phải đi cổng phía Đông, còn HS đi bộ thì đi cổng phía Bắc (địa bàn làm ăn của hai đối tượng trên). Nhưng đối với những HS đi xe máy thì hai đối tượng này chính là lực lượng tiếp tay từ bên ngoài, trường khó có thể kiểm soát. Ban giám hiệu nhà trường đã làm việc với công an phường sở tại nhưng câu trả lời nhận được là nếu không cho họ làm thì họ biết sống bằng gì?
Học sinh vi phạm Luật Giao thông tại Hà Nội
Còn tại Trường THPT Việt Đức, đứng sau Trường THPT Phan Đình Phùng về số HS bị xử lý do vi phạm Luật Giao thông trong tháng 9 thì lại có những khó khăn khác. Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu phó nhà trường cho biết bên cạnh Trường THPT Việt Đức có hai bãi gửi xe (55 Lý Thường Kiệt và điểm giao giữa đường Lý Thường Kiệt và Bà Triệu), nhà trường đã nhờ công an phường làm việc về vấn đề này, thậm chí còn cử cả lực lượng xung kích để chấn chỉnh tình trạng HS đi xe máy đi học nhưng chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đó. Cô Quỳnh thẳng thắn: “Chúng tôi cảm thấy xấu hổ vì số lượng HS vi phạm nhiều. Ngay từ đầu tháng 9 chúng tôi đã cùng với phụ huynh làm bản cam kết không cho HS đi xe máy đến trường nhưng đến nay vẫn còn hiện tượng này”.
Không chỉ riêng ngành giáo dục nhận lỗi
Theo ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác HS, SV Sở GD-ĐT Hà Nội, trong tháng 9 toàn thành phố có 433 học sinh/956 HS, SV vi phạm ATGT. Các trường có HS vi phạm đều nhận một phần lỗi tại trường. Cô Nguyễn Thị Vinh, Hiệu phó Trường THPT Tô Hiệu, huyện Thường Tín cho hay lỗi một phần do trường chưa quán triệt sâu sắc đến học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ riêng ngành giáo dục có lỗi. Theo cô Nguyễn Bội Quỳnh, khi mời những phụ huynh có con em vi phạm đến trường làm việc, hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng họ cũng “lực bất tòng tâm” do con em họ phải đi học nhiều. Các em cần phải có phương tiện đi lại thuận tiện. Nhưng cũng nhiều phụ huynh cho biết họ không biết con em mình lấy xe đi học!? Đây cũng là tình trạng chung đối với phụ huynh tại các trường có HS vi phạm ATGT. Thầy Nguyễn Thế Quang, Hiệu phó Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông cho rằng trách nhiệm là ở tất cả các cấp. Từ thôn xóm đến vỉa hè đều mất đường đi, chính vì vậy không ai dám hứa 100% HS trường mình không vi phạm giao thông. Thầy Quang cũng đưa ra đề xuất khi HS, SV vi phạm giao thông, lực lượng công an nên thu giữ ngay phương tiện và yêu cầu phải có giấy xác nhận là HS của trường nào đó thì mới trả xe. Có như thế, nhà trường sẽ chủ động hơn trong việc xử lý vi phạm.
Để thực hiện nghiêm túc trật tự ATGT trong học đường, các trường cũng đưa ra nhiều biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với HS vi phạm. Cô Nguyễn Bội Quỳnh cho hay những HS vi phạm sẽ bị hạnh kiểm loại trung bình hoặc yếu kể cả HS lớp 12 và trường sẽ xử lý một vài trường hợp để làm gương cho HS toàn trường. Còn tại Trường Phan Đình Phùng, cô Phượng cho biết những HS vi phạm lần 1 sẽ bị cảnh cáo trước toàn trường, lần 2 bị đình chỉ học 1 tuần và lần 3 bị đình chỉ học 1 năm.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Công tác HS, SV Bộ GD- ĐT Phùng Khắc Bình cho hay, việc xử phạt ngoài trường thuộc trách nhiệm của công an và các cơ quan chức năng. Còn đối với các trường, khi có thông tin HS đi xe máy, chắc chắn phải xử lý theo quy định. Cũng theo ông Bình, các trường tùy số lượng và mức độ vi phạm mà các trường đưa ra các mức kỷ luật khác nhau nhưng đối với HS vi phạm Luật Giao thông, tối thiểu phải là khiển trách.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)