Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Khí thải độc hại từ phương tiện giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Với mật độ xe như thế này thì lượng khí độc thải ra rất cao

Mỗi ngày có hàng triệu người tại các đô thị đông đúc đang phải hít vào phổi vô vàn các chất độc hại như chì, nitơ điôxít, cácbon monoxit… thải ra từ ống khói những chiếc xe máy không được bảo dưỡng đúng tiêu chuẩn. Khí thải từ động cơ cũng chính là nguyên nhân gây ra một số bệnh có liên quan đến đường hô hấp.
Liên quan đến các bệnh về đường hô hấp
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hơn 24 triệu xe máy đang trở thành nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí tại các đô thị. Hầu hết các thành phố lớn đều nhiễm bụi PM10, CO, HC, NOx và các chất phụ gia trong xăng như benzene… là những chất độc hại có trong khí thải xe cơ giới mà chủ yếu là từ các xe chạy bằng xăng. Từ các số liệu nghiên cứu tại TP.HCM cho thấy, các loại bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng nhanh chóng cùng với sự gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí (HEPA, 2006). Theo một tính toán của chương trình công nghệ giảm phát khí thải nhà kính Việt Nam, ước tính tỷ lệ người tử vong do ô nhiễm không khí từ khí thải ô tô, xe máy tại TP.HCM vào khoảng 10 người/ngày năm 2010 và lên tới 14 người/ngày năm 2015. Số trường hợp nhập viện tương ứng là 15 và 20 người/ngày. Một nghiên cứu khác về thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tại Hà Nội do Viện Y tế Lao động thực hiện năm 2004 cho rằng một ngày thủ đô bị tổn thất khoảng 1 tỷ đồng. Tổ chức Y tế thế giới năm 2005 công bố khoảng 4 – 8% các trường hợp tử vong trên thế giới liên quan đến ô nhiễm không khí. Trong đó, hơn phân nửa số này xảy ra tại các nước đang phát triển ở châu Á.
Hơn 50% xe máy không đạt chuẩn khí thải
So với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam đã chậm một bước trong việc kiểm soát khí thải xe máy. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2005, Chính phủ đã ban hành tiêu chuẩn khí thải phương tiện cơ giới nhưng lúc đó cơ quan đăng kiểm mới tiến hành kiểm tra ô tô. Đối với xe máy, tuy chưa chính thức kiểm soát khí thải nhưng theo kết quả khảo sát, có hơn 50% xe máy đang lưu hành hiện nay không đạt tiêu chuẩn. Nếu áp dụng mức tiêu chuẩn đã công bố là 4,5 CO và 1.500 HC (đối với xe sử dụng động cơ 4 kỳ) và 10.000 HC (động cơ 2 kỳ) thì có thể 50% xe máy hiện nay phải bảo dưỡng, thay thế một số phụ tùng như xu páp, bộ chế hòa khí… mới được phép lưu hành. Một chuyên viên Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng: qua thử nghiệm thực tế, xe sau khi bảo dưỡng trung bình giảm lượng phát thải CO và HC từ 30 tới 50%. Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa được ước tính từ vài chục ngàn tới vài trăm ngàn đối với xe số và cao nhất lên tới 10 triệu đồng đối với xe ga đời mới. Kết quả điều tra trực tiếp tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, 73% người được hỏi đồng ý kiểm tra khí thải 1 năm/lần. Theo kết quả khảo sát 10.000 người qua mạng internet, có 57% ý kiến đồng ý kiểm tra khí thải hàng năm, 23% ý kiến không đồng ý.
Theo đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam, giai đoạn 1 sẽ kiểm tra khí thải xe máy tại Hà Nội và TP.HCM. Loại xe thuộc diện bị kiểm soát khí thải là xe máy trên 10 tuổi, trên 7 tuổi và trên 3 tuổi, tương ứng với thời điểm quy định trên có hiệu lực sau 1 năm, 2 năm và 3 năm, kể từ ngày Chính phủ phê duyệt. Giai đoạn 2, sẽ mở rộng thực hiện đề án ra các TP loại 1 và loại 2. Sau khi kiểm tra, xe đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp tem và giấy chứng nhận kiểm tra khí thải định kỳ có thời hạn 1 năm/lần. Chi phí kiểm định dự kiến là 50.000 đồng/xe/lần, thời gian kiểm định không quá 6 phút/xe. Trong quá trình tham gia giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử phạt chủ xe không có tem và giấy chứng nhận khí thải hoặc có nhưng đã hết hiệu lực với mức phạt 300.000 đồng/lần. Xe không đạt tiêu chuẩn, chủ xe phải bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế phụ tùng, nâng cấp các bộ phận liên quan và kiểm tra lại. Các điểm kiểm tra khí thải dự kiến được bố trí tại các cơ sở kiểm định ô tô và các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa xe máy được ủy quyền.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về môi trường cho rằng: cần cân nhắc độ tuổi xe phải kiểm tra khí thải và địa điểm kiểm tra khí thải, tránh trường hợp các trung tâm bảo dưỡng được ủy quyền gây khó dễ cho chủ phương tiện để buộc họ phải thay thế, nâng cấp phụ tùng.
 
Tâm Như

 

Bình luận (0)