Người Kurd ở miền Bắc Iraq đã vướng vào cuộc xung đột kéo dài hơn 40 năm qua với Thổ Nhĩ Kỳ.
Những ngày gần đây, xung đột giữa người Kurd ở miền Bắc Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ lại bùng lên. Theo AFP, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18.4 thông báo nước này đã tiến hành một chiến dịch quân sự mới mang tên “gọng kìm móng vuốt” cả trên không và trên bộ nhằm vào các mục tiêu của đảng Công nhân người Kurd (PKK). Ankara tuyên bố chiến dịch được thực hiện để ngăn âm mưu tấn công Thổ Nhĩ Kỳ của PKK, lực lượng bị Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố.
Trước động thái mới của nước láng giềng, Iraq đã triệu tập Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Baghdad để phản đối. Iraq cũng nói chiến dịch là mối đe dọa đối với an ninh và vi phạm chủ quyền Iraq. Cuộc xung đột Thổ Nhĩ Kỳ – PKK tiếp tục làm trầm trọng thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Ankara với Baghdad.
Một mục tiêu bị bắn trúng trong chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được công bố ngày 18.4.2022. BỘ QUỐC PHÒNG THỔ NHĨ KỲ
Dân tộc không có quốc gia
Theo tờ The Economist, người Kurd đôi khi được gọi là dân tộc đông nhất thế giới không có quốc gia độc lập của riêng mình. Cộng đồng này gồm khoảng 30 triệu người chủ yếu theo Hồi giáo Sunni sinh sống ở khu vực rộng lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Iran. Họ có cùng văn hóa và nói một trong 2 phương ngữ chính của tiếng Kurd.
Sau Thế chiến 1, Đế chế Ottoman bị chia cắt. Trong hiệp ước Sèvres năm 1920, các nước phương Tây thắng trận đã hứa người Kurd sẽ có vùng đất của riêng mình. Tuy nhiên, 3 năm sau, hiệp ước Lausanne vạch ra biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ như hiện tại, lờ đi lời hứa trước đó với người Kurd, theo báo The Washington Post.
Trong khi người Kurd không lãng quên giấc mơ có được vùng đất riêng độc lập, 4 quốc gia nơi người Kurd sinh sống đã cố gắng ngăn cộng đồng này thể hiện văn hóa hay sử dụng ngôn ngữ của mình, đôi khi bằng cả những biện pháp bạo lực. Việc đàn áp chủ nghĩa dân tộc người Kurd đã dẫn đến bất ổn ở Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc chiến đẫm máu Theo dữ liệu của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế, sau khi xung đột giữa PKK và Thổ Nhĩ Kỳ tái bùng phát vào năm 2015, gần 6.000 người đã thiệt mạng trong giao tranh hoặc các vụ khủng bố tính đến tháng 3 năm nay. Trong đó, 593 dân thường chết, hơn 3.700 chiến binh PKK tử vong và hơn 1.300 binh sĩ của các chính quyền thiệt mạng. |
Bên cạnh đó, cộng đồng người Kurd ở các quốc gia khác nhau cũng có lý tưởng không đồng nhất và thường bất hòa với nhau. Điều này làm tình hình an ninh trong khu vực thêm rối rắm. Hiện Iraq là quốc gia duy nhất mà người Kurd có thể thành lập một khu vực tự trị, được gọi là Khu vực Kurdistan. Vùng này do Chính quyền khu vực Kurdistan (KRG) quản lý với nghị viện được thành lập vào năm 1992.
Một chỉ huy quân đội Mỹ cùng với một chỉ huy YPG người Kurd kiểm tra thiệt hại từ các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ ở núi Karachok, Syria năm 2017. REUTERS
Xung đột PKK và Thổ Nhĩ Kỳ
Trước tình cảnh này, năm 1978, ông Abdullah Ocalan thành lập PKK để đấu tranh cho một nhà nước độc lập của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đến năm 1984, PKK bắt đầu đấu tranh vũ trang. Cuộc xung đột đã khiến hơn 40.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người mất nhà cửa kể từ đó đến nay.
Những năm 1990, PKK rút lại yêu cầu lập ra nhà nước riêng và thay vào đó kêu gọi trao cho người Kurd quyền tự chủ lớn hơn về văn hóa và chính trị. PKK vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi đạt được lệnh ngừng bắn năm 2013, sau các cuộc đàm phán bí mật.
Lệnh ngừng bắn sụp đổ vào tháng 7.2015, sau khi một vụ đánh bom bị cho là do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ra khiến 33 nhà hoạt động trẻ gần biên giới Syria, chủ yếu là người Kurd, thiệt mạng. PKK cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đồng lõa và tấn công lực lượng nước này. Ankara sau đó đã phát động “cuộc chiến chống khủng bố” chống lại PKK và IS.
PKK có căn cứ, trại huấn luyện ở Sinjar (miền bắc Iraq) và trên vùng núi biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Iraq. Nơi này thường xuyên hứng chịu các cuộc tấn công của Ankara. KRG, nhóm người Kurd đang quản lý khu vực này, cũng rất khó chịu với sự hiện diện của PKK vì KRG có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Kurd ở Syria
Tờ The New York Times đưa tin người Kurd là dân tộc thiểu số đông nhất ở Syria, chiếm từ 5 – 10% dân số nước này vào năm 2011. Họ chủ yếu sống ở phía bắc đất nước, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với người Ả Rập và các nhóm dân tộc khác. Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG), lực lượng vũ trang của người Kurd ở Syria, cũng bị kéo vào cuộc xung đột vì Ankara cho rằng nhóm này có liên hệ với PKK.
Theo The Washington Post, YPG là đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống IS ở Syria. Năm 2015, YPG đã cùng các lực lượng Ả Rập thành lập Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và lên dẫn đầu liên minh này. SFP cũng được NATO cung cấp vũ khí.
Việc YPG kiểm soát ngày càng nhiều khu vực mà IS bị đánh bật đã khiến Ankara lo ngại rằng lực lượng này sẽ giành thêm nhiều ảnh hưởng gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã thực hiện nhiều biện pháp để xoa dịu căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và YPG. Tuy nhiên, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump ra lệnh rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Syria vào năm 2019, YPG bị áp đảo về mặt quân số và đã mất nhiều khu vực vào tay IS cùng chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo Đông A/TNO
Bình luận (0)