Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

TP.HCM bàn giải pháp chống ùn tắc giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Ùn tắc giao thông do người dân dừng đỗ xe mất trật tự. Ảnh: Hà Anh

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, từ đầu năm đến hết tháng 11, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 69 vụ ùn tắc giao thông lớn, kéo dài trên 30 phút, tăng 25 vụ so với cùng kỳ 2008. Đồng thời các vụ ùn ứ với thời gian ngắn đã xuất hiện nhiều hơn, dày hơn tại nhiều nơi trên địa bàn. Lãnh đạo TP.HCM nhìn nhận, một trong những nguyên nhân chính là do phương tiện giao thông tăng quá nhanh.
Cần đẩy nhanh các dự án phát triển hạ tầng giao thông
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 16 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM. Phó thủ tướng đã chỉ ra những bất cập, hạn chế hiện còn tồn tại và đề nghị thành phố tiếp tục xem xét, nghiên cứu, phối hợp cùng các bộ, ngành để đưa ra những giải pháp, sáng kiến mới trong việc giải quyết ùn tắc giao thông, chú trọng vào các giải pháp lâu dài, căn cơ và đồng bộ. TP cần tập trung trước mắt việc đẩy mạnh và làm thường xuyên hơn công tác tuyên truyền, xây dựng nhiều phương án tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến tích cực trong ý thức của người dân tham gia giao thông; tăng cường thanh, kiểm tra và xử phạt, nghiên cứu, áp dụng các biện pháp, phương án xử phạt như thế giới đã làm. Bên cạnh đó, cũng cần chấn chỉnh trật tự lòng, lề đường, quản lý việc đỗ xe dưới lòng, lề đường, quản lý taxi; đẩy nhanh các dự án phát triển hạ tầng giao thông, các dự án bến, bãi đậu xe và nâng cấp chất lượng xe buýt. Bởi vì tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM như hiện nay không chỉ là vấn đề của riêng TP mà là vấn đề được người dân cả nước quan tâm, thậm chí kiều bào Việt Nam tại nước ngoài cũng bức xúc.
Quy mô phát triển và hạ tầng kỹ thuật mất cân đối
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng cho biết, mặc dù đã rất nỗ lực cùng sự hưởng ứng của nhân dân, đồng thời TP cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông nhưng tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn TP vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Do TP thực hiện nhiều giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông nên khi triển khai cần có lộ trình, cần có nhiều năm và nguồn lực nhất định mới có thể phát huy tác dụng. Thời gian qua, kết quả của công tác kéo giảm ùn tắc giao thông ở TP còn nhiều hạn chế. Theo ông Phượng thì có hai nguyên nhân khách quan dẫn đến ùn tắc giao thông ở TP.HCM. Thứ nhất là dân số tăng quá nhanh do các quy định đăng ký hộ khẩu thường trú tại TP có thuận lợi hơn, nên đã thu hút ngày càng nhiều người ở các địa phương khác đến TP sinh sống. Thứ hai là số lượng xe cộ tăng vì người dân vãng lai đến TP sinh sống ngày càng nhiều và thủ tục đăng ký phương tiện giao thông cá nhân không bị giới hạn. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác như: Việc phát triển đô thị còn mất cân đối lớn giữa quy mô phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; tiến độ di dời các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển, bến xe khách liên tỉnh ra khỏi TP còn chậm; các bệnh viện, trường học lớn chưa mở rộng ra bên ngoài mà vẫn tập trung trong khu vực nội ô; kết cấu hạ tầng chưa phát triển kịp để đáp ứng nhu cầu giao thông đô thị như mật độ đường giao thông thiếu và kém chất lượng…
Sớm hoàn thành các dự án đã phê duyệt
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo TP.HCM cần phải nhanh chóng đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, hoàn thành sớm các dự án đã được phê duyệt nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ngoài phương tiện xe cá nhân thì số lượng taxi trên địa bàn TP cũng đang rơi vào tình trạng quá tải. Do đó cần khống chế lượng taxi phù hợp với dân số thành phố. Với những đơn vị nào vi phạm, cần xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ và giao cho đơn vị khác nhằm nâng cao chất lượng loại phương tiện này thay vì phát triển theo số lượng. Cần tạo sự đồng bộ và đặt ra mục tiêu cụ thể đối với mỗi nhóm giải pháp lớn đã và đang triển khai trong bài toán chống ùn tắc giao thông hiện nay. Điều thuận lợi là TP đã hoàn thành quy hoạch phát triển giao thông vận tải dài hạn trên địa bàn, vì vậy, cần đặt ra các mốc tiến độ để đạt được quy hoạch, kế hoạch như mong muốn. Riêng đối với việc hạn chế phương tiện cá nhân, đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng, thì cần phải có lộ trình hợp lý đi kèm với đẩy nhanh phát triển hành khách công cộng. Nếu hạn chế xe cá nhân nhưng phương tiện công cộng không đáp ứng được, dân không hào hứng đi xem như giải pháp trên thất bại. TP cần tập trung nghiên cứu, triển khai các phương pháp hiệu quả về mặt kinh tế, có lộ trình hạn chế xe máy, thay thế bằng các phương tiện giao thông phù hợp…
Huỳnh Xuân

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, với dân số 10 triệu dân (kể cả dân vãng lai), nhưng TP.HCM chỉ có 600 cảnh sát giao thông là quá ít. Bộ đã có kế hoạch tăng thêm 1.000 cảnh sát giao thông nữa cho TP.HCM nhưng cần có thời gian đào tạo, huấn luyện.

Anh Kiệt
 

 

Bình luận (0)