Xây dựng trang Facebook, Instagram cá nhân, thẻ căn cước công dân, tạo Hashtag (từ khóa) cho các nhân vật lịch sử Việt Nam là những sáng kiến độc đáo được học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) lựa chọn để hoàn thành bài tập ở nhà trong mùa dịch Covid-19.
Trang Facebook mang tên Trương Vĩnh Ký được học sinh thiết kế để học lịch sử
Hoạt động trên nằm trong yêu cầu của bài tập “Mùa corona phần 2” được Tổ lịch sử nhà trường xây dựng cho học sinh 3 khối. Thầy Nguyễn Viết Đăng Du (Tổ trưởng Tổ lịch sử) cho biết đề bài yêu cầu học sinh chọn lựa bất kỳ một nhân vật lịch sử Việt Nam mà các em yêu thích, thể hiện những hiểu biết của mình về nhân vật bằng hình thức Biography (tiểu sử) với đầy đủ hình ảnh, gia thế, công trạng của nhân vật. Ngoài ra, học sinh cũng có thể lựa chọn chia sẻ những hiểu biết về nhân vật lịch sử thông qua việc thiết kế video dài không quá 3 phút giới thiệu về nhân vật đó. Để tiện cho học sinh nộp bài, Tổ lịch sử cũng lập ra một trang Facebook, các bài tập sau khi hoàn thành sẽ được học sinh đăng trực tiếp lên trang đó. “Dù chỉ mới phát động nhưng học sinh rất thích thú, hào hứng. Nhiều em rất sáng tạo, gửi bài rất sớm với nhiều bài làm chất lượng. Các nhân vật lịch sử Việt Nam mà các em lựa chọn cũng vô cùng đa dạng, từ trung đại đến hiện đại”, thầy Đăng Du cho biết. Tuy nhiên, điều mà thầy Đăng Du ấn tượng hơn cả chính là khả năng sáng tạo của học sinh về hình thức lẫn nội dung thể hiện như thiết kế trang Instagram, Facebook, thậm chí là tạo thẻ căn cước công dân, gắn những từ khóa độc đáo để trình bày về nhân vật. Ngay cả với cùng một nhân vật, cùng một hình thức thể hiện nhưng dưới góc nhìn của mỗi học sinh lại có sự khác biệt riêng. Qua cách thể hiện của học sinh có thể thấy các nhân vật lịch sử “nóng hổi” hơi thở hiện đại, cũng có trang Facebook cá nhân, Instagram cá nhân, có thể tìm kiếm thông qua những từ khóa gắn với các chiến công, dấu ấn… “Giao bài tập trong đợt nghỉ dài vừa qua không thể nào ép học sinh học bài mà phải là giao nhiệm vụ gì đó, làm sao vừa hài hòa giữa kiến thức môn học với điều mà các em yêu thích. Chủ yếu là tạo ra hứng thú để các em tự giác làm. Với hình thức trên, các em sẽ được thỏa sức thể hiện nhân vật lịch sử dưới góc nhìn của mình, gắn với sở thích, đam mê công nghệ thông tin”, thầy Đăng Du bày tỏ.
Trang Facebook mang tên Đặng Thùy Trâm đầy sáng tạo và mới mẻ
Lập Facebook cho nhân vật Trương Vĩnh Ký, em Ngô Huệ Linh (lớp 10D2) cho hay, đây là nhân vật vừa có công vừa có tội, khi tái hiện lại em mong muốn sẽ có cái nhìn đa chiều về lịch sử. “Em mất khá nhiều thời gian tìm hiểu nhân vật để lập Facebook cho nhân vật. Cái khó nhất là chỉ tạo được nền, còn nội dung trong trang phải tự thiết kế, chọn lọc thông tin, hình ảnh đặc sắc, nổi bật nhất của nhân vật nhưng khi thể hiện lại phải thật gần gũi. Đây là cách học lịch sử rất hay, tiếp thu dễ hơn so với việc học từ sách vở bình thường”, Huệ Linh cho biết. Trong khi đó, em Nguyễn Võ Thanh Trúc (lớp 12D1) lại chọn bác sĩ Đặng Thùy Trâm cho bài làm của mình. Theo Thanh Trúc, đây là nhân vật khá đặc biệt với khát vọng cống hiến mà em yêu thích qua lời kể của cô giáo dạy văn thời THCS. Cũng lập trang Facebook cho nhân vật, song Thanh Trúc lên mạng xem những video dạy thiết kế để tăng thêm hiệu ứng về hình ảnh, chữ viết, giúp nhân vật hiện lên mới mẻ hơn. Trang Facebook bác sĩ Đặng Thùy Trâm được thiết kế từ điện thoại, với 5 từ khóa là những điểm nổi bật gắn với nhân vật. “Khi được thầy cô trao quyền chọn nhân vật thực sự yêu thích để tìm hiểu, mỗi bạn đều dành thời gian để chăm chút cho nhân vật. Qua đó môn học cũng không còn khô khan với những dữ kiện mà trở nên hứng thú, gần gũi hơn”, Thanh Trúc chia sẻ.
Được biết, bài làm của học sinh được lấy điểm kiểm tra 15 phút cho học kỳ II.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)