Đốt hầm nặng 27.000 tấn đã được dìm xuống lòng sông Sài Gòn. Ảnh: Minh Khải |
Ngày 7-3-2010, việc lai dắt đốt hầm đầu tiên từ bãi đúc ở Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) về khu vực Mỹ Cảnh (quận 1 – TP.HCM) đã thành công. Có thể nói đây là phần việc gay go nhất của dự án xây dựng đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn… Phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM đã có mặt cùng đoàn lai dắt đốt hầm để cung cấp cho quý độc giả những thông tin về việc lai dắt đốt hầm có ý nghĩa rất lớn, đánh dấu sự phát triển về hạ tầng giao thông đường bộ của TP.HCM đối với cả nước và khu vực.
Hồi hộp giờ xuất phát
7 giờ 40, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông – Tây và vệ sinh môi trường nước TP đọc lệnh xuất phát trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cùng các sở, ban ngành và hàng trăm phóng viên báo đài.
7 giờ 45, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài – Trưởng ban chỉ đạo công trình – bắn phát súng ra lệnh “xuất phát” lai dắt đốt hầm số 1 (nặng khoảng 27.000 tấn) trong tổng số 4 đốt của hầm dìm vượt sông Sài Gòn, rời khu vực bể đúc ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, về vị trí lắp đặt tại TP.HCM.
Trên con đê khu vực bể đúc Nhơn Trạch, hàng trăm công nhân, kỹ sư của nhà thầu không giấu nỗi vui mừng khi thấy đoàn lai dắt khởi động an toàn, bắt đầu lai dắt thuận lợi. Trên bầu trời sông Lòng Tàu, trực thăng của Sư đoàn không quân 370 bay lượn, ngay trên đầu của đoàn lai dắt.
Ông Vương Hoàng Thanh, Phó giám đốc dự án Đại lộ Đông – Tây cho biết: “Điều kiện thủy văn rất tốt, đúng như dự tính của các kỹ sư, nhà thầu. Đây là một trong hai ngày trong tháng có dòng nước ổn định nhất với vận tốc thấp chỉ khoảng 0,5m/s – 1m/s. Tuy xuất phát trễ khoảng nửa tiếng so với kế hoạch nhưng không ngờ đoàn lai dắt lại đi nhanh đến vậy. Con nước đúng như dự báo. Đây là tín hiệu đáng mừng. Nếu đúng lộ trình thì khoảng 1 giờ đốt hầm số 1 sẽ về đến khu vực dìm hầm Thủ Thiêm” – ông Thanh dự báo.
Khi đốt hầm rời khỏi bể đúc thì chiếc máy bay trực thăng của Sư đoàn 370 cũng cất cánh chở theo đoàn quay phim của Đài Truyền hình TP.HCM tác nghiệp và các chuyên gia tư vấn. Đốt hầm đầu tiên từ từ chuyển dịch ra giữa sông Nhà Bè với sự “áp giải” của cả một đội quân hùng hậu, gồm 4 tàu kéo chính của Công ty Sriacha (Thái Lan) và một tàu kéo dự phòng của Pháp, đó là chưa kể 14 ca-nô cao tốc và tàu đẩy nhỏ sẵn sàng can thiệp khi cần thiết…
Hoàn thành lai dắt an toàn
Xuất phát trễ nhưng “con tàu” đặc biệt này về bến sớm hơn dự kiến. Đến khoảng 9 giờ 40, đoàn lai dắt đến ngã ba Đèn Đỏ (khu vực cầu Phú Mỹ, một trong 4 khu vực nguy hiểm với khúc cua hẹp, dòng nước chảy xiết) an toàn. Đoàn lai dắt cùng các kỹ sư, chuyên gia của nhà thầu, ban quản lý dự án và cả ngàn người dân thành phố đã thở phào nhẹ nhõm khi các sự cố dự báo như dây thừng có khả năng bị đứt khi lai dắt, mặt cắt ngang của đốt hầm dìm khoảng 33m sẽ tạo ra lực cản nước rất lớn đã không xảy ra… Được biết công tác nạo vét lòng sông ở khu vực này đã được hoàn thành từ vài ngày trước, sẵn sàng cho việc dìm các đốt hầm xuống vị trí quy định. Đây là một công đoạn cực kỳ phức tạp, đặc biệt là khâu định vị, kết nối các đệm cao su khổng lồ và sau đó là tháo gỡ các mặt bích.
Sau gần 2 giờ lai dắt, hầm dìm về đến cầu Phú Mỹ và lướt đi êm ru qua mũi Đèn Đỏ – một trong bốn khúc cua nguy hiểm trên đường lai dắt. Chưa tới 13 giờ, chiếc trực thăng Mi171 của Sư đoàn Không quân 370 đã túc trực trên Bến Nhà Rồng để tổ quay phim của HTV trên đó sẵn sàng ghi hình. Đốt hầm về khu vực dìm hầm, trước bến cảng Bạch Đằng lúc 13 giờ 30. Sau đó, đốt hầm được quay đầu, kéo vào bờ gần với đường dẫn phía Thủ Thiêm và neo lại lúc 14 giờ. Như vậy, sau 6 giờ lai dắt, đốt hầm dìm thứ nhất đã về đến sông Sài Gòn an toàn. Theo lời kỹ sư – Giám đốc BQLDA Lương Minh Phúc, sau khi tới vị trí dìm, đốt hầm được xoay lại để nối đầu vào đường dẫn phía Thủ Thiêm. Sau đó những kỹ sư và công nhân của Obayashi bắt đầu các công tác kết nối với đường dẫn.
Sự kiện mang ý nghĩa rất lớn
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân khẳng định: “Hầm dìm Thủ Thiêm là hạng mục rất quan trọng của dự án Đại lộ Đông – Tây và sự kiện lai dắt đốt hầm có ý nghĩa rất lớn trong quá trình thực hiện dự án. Đây là hầm dìm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á. Lần lai dắt đốt hầm đầu tiên thành công sẽ tạo thuận lợi cho việc lai dắt các đốt hầm tiếp theo vào tháng 4, 5, 6-2010”.
9 giờ sáng 8-3, bắt đầu việc dìm đốt hầm mới, ngày 9-3 hoàn thiện ban đầu các công tác cơ bản khác và ngày 10-3 đã nối thông đốt thứ nhất với đường dẫn phía Thủ Thiêm. Do mỗi tháng chỉ có hai ngày dòng chảy ở khu vực này phù hợp với công việc nên đốt thứ hai sẽ được kéo và dìm trong hai ngày 5, 6-4, đốt 3 là ngày 4, 5-5 và đốt cuối cùng ngày 4, 5 -6.
ANH KIỆT – LÊ HỮU
Đường hầm Thủ Thiêm là hạng mục chính của gói thầu số 4 thuộc dự án xây dựng Đại lộ Đông – Tây – con đường xuyên tâm TP.HCM mà khi khởi công vào năm 2005, người ta đã hy vọng rằng nó sẽ giúp giải quyết đáng kể tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng ở khu vực nội thành. Theo thông tin mà Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cung cấp thì dự án Đại lộ Đông – Tây này được UBND TP.HCM thực hiện với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản với khoản vay ODA do JICA cung cấp là 41.027 triệu Yên Nhật – tương đương với 456 triệu đô la Mỹ, xấp xỉ 65% tổng vốn đầu tư. MINH KHẢI
|
Bình luận (0)