Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Tăng cường “chống” học sinh đi xe máy

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Học sinh chưa có bằng lái xe nhưng vẫn điều khiển xe gắn máy có phân khối lớn

Trong những năm qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã chú trọng triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh (HS). Ý thức của HS khi tham gia giao thông (GT) đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số HS vi phạm Luật GT, đặc biệt là những HS chưa đủ tuổi cấp bằng lái xe vẫn “ngang nhiên” đi xe phân khối lớn đến trường học.
Áp dụng nhiều biện pháp xử lý
Để hạn chế việc HS đi xe phân khối lớn, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề ra nhiều biện pháp đi kèm với việc xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HS-SV, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Giáo dục ý thức cho HS tham gia GT là một trong những công tác trọng tâm nhất được Sở GD-ĐTvà UBND TP chỉ đạo xuyên suốt cả năm đến từng trường học. Mỗi tháng, phòng cảnh sát GT đều gửi về cho Sở GD-ĐT danh sách những HS vi phạm Luật GT, Sở GD-ĐTtiếp tục gửi công văn đến các trường đề nghị xử lý vi phạm. Thông thường, ban lãnh đạo các trường yêu cầu phụ huynh đến cam kết và kiểm điểm các em trước lớp. Đối với những HS vi phạm mang tính chất nghiêm trọng hơn như đua xe, lạng lách… thì sẽ kiểm điểm trước trường và hạ hạnh kiểm trong học kỳ”.
Thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM nhằm đảm bảo an toàn cho HS tham gia GT, các trường học thường xuyên tổ chức các chương trình, những cuộc thi về luật lệ ATGT. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm và bộ môn cũng thường xuyên nhắc nhở các em về ý thức tham gia GT. Theo cô Nguyễn Thị Thu Ba, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu: “Năm nào nhà trường cũng đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức cho các em về việc tham gia GT. Trong những giờ chào cờ, tiết sinh hoạt nhà trường thường xuyên lồng ghép các chương trình về ATGT cho HS. Tuy nhiên, mức độ vi phạm Luật GT của các em vẫn đang là vấn đề mà nhà trường cần có nhiều biện pháp ngăn chặn hơn nữa”.
Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho HS tham gia GT, các trường cũng xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luật. Thầy Cao Xuân Hùng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa cho biết: “Những HS vi phạm khi bị nhà trường phát hiện hoặc có công văn của Sở GD-ĐT gửi về chúng tôi đều thực hiện xử lý nghiêm. Nhưng để hạn chế việc HS vi phạm, đặc biệt là trường hợp các em đi xe phân khối lớn, tôi thiết nghĩ ở gần cổng trường không chỉ có công an phường hỗ trợ mà công an GT cũng nên vào cuộc mạnh hơn”.
Nhưng vẫn vi phạm
Mặc dù nhà trường đã có nhiều hoạt động giáo dục ý thức cho HS về ATGT và đưa ra nhiều biện pháp xử lý đối với những em vi phạm nhưng giờ tan học, mọi người không khó để bắt gặp cảnh tượng “áo trắng” đi xe phân khối lớn, thậm chí không đội nón bảo hiểm, chở 3… trên đường.
Ông Trần Khắc Huy cho biết: “Trong tháng 2 vừa qua, phòng cảnh sát GT đã gửi về cho Sở GD-ĐT bản xử phạt 53 HS vi phạm Luật GT, trong đó phần lớn là những HS không có giấy phép lái xe nhưng vẫn đi xe phân khối lớn”. Đây chỉ là một con số nhỏ mà cảnh sát GT đã làm việc với các trường hợp HS phạm Luật GT. Trên thực tế tại TP.HCM, còn rất nhiều trường hợp HS vi phạm giao thông nhưng cảnh sát GT chưa thể kiểm soát hết. Một trong những tiểu xảo mà HS thường dùng để “qua mặt” cảnh sát GT là mặc áo khoác để che bộ đồng phục HS. Em NH., HS lớp 11 Trường THPT Thanh Đa kể: “Ngoài giờ học ở trường tụi em còn học thêm ở nhiều nơi khác nữa, bố mẹ không có thời gian đưa rước thường xuyên nên sẵn có xe trong nhà thì cứ sử dụng. Miễn ra đường mặc áo khoác vào để “qua mặt” được các chú công an là được”.
Một giáo viên Trường THPT Võ Thị Sáu bức xúc: “Mặc dù nhà trường vẫn thường xuyên tuyên truyền, tổ chức các hoạt động giáo dục HS khi tham gia GT, đặc biệt là đi xe phân khối lớn nhưng nhà trường không kiểm soát được tất cả các em. Hiện ban quản lý nhà trường vẫn kiểm tra định kỳ bằng lái xe của HS khi các em gửi xe gắn máy tại trường. Tuy nhiên, một số em chưa có bằng lái vẫn “ngoan cố” tìm cách len lỏi được cảnh sát GT và phòng bảo vệ”.
Một số trường THPT không giữ xe gắn máy trong trường cho HS nhưng những bãi giữ xe ở ngoài cổng trường thì cứ dần dần mọc lên. Trường THPT Thanh Đa có khá nhiều bãi giữ xe từ khu chung cư ngoài cổng trường. Sáng sớm, nhiều tà áo dài đến gửi xe từ các hộ dân cư này rồi thản nhiên đi vào trường. Thầy Cao Xuân Hùng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa tâm tư: “Mặc dù nhà trường đã thường xuyên họp giao ban với chính quyền địa phương, với công an phường nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Đứng trên phòng làm việc, thấy HS trường mình đi xe gắn máy chở hai, chở ba tôi rất bực mình nhưng đây là hiện trạng chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Ngoài việc tăng cường giáo dục cho các em ý thức khi tham gia GT, chúng tôi đã và sẽ phối hợp tốt hơn với phụ huynh cũng như chính quyền địa phương để giải quyết triệt để tình trạng này”.
Việc giáo dục ý thức cho HS khi tham gia GT là rất cần thiết trong nhà trường. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng là người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ông Trần Khắc Huy cho rằng: “Phụ huynh là người tác động trực tiếp đến ý thức của HS, nếu phụ huynh không tạo điều kiện để các em có thể sử dụng những xe phân khối lớn thì các em khó có thể sử dụng được. Phương tiện đi lại hiện nay rất quan trọng đối với HS cấp 3 vì ngoài những giờ học ở trường, nhiều em còn học thêm tại các trung tâm khác. Để đảm bảo an toàn mà các em vẫn có phương tiện đi lại, phụ huynh có thể trang bị cho con mình xe đạp điện, hay để các em sử dụng xe buýt”.
Bài, ảnh: Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)