Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương: Con đường hiện đại

Tạp Chí Giáo Dục

Đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đoạn đi qua quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: I.T

Dự án đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương có tổng chiều dài 61,8km, trong đó: 39,8km cao tốc và 22km tuyến nối. Đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương đi qua địa bàn TP.HCM, Long An và Tiền Giang. Đây là một trong những đoạn đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam đã được thông xe và đưa vào sử dụng đầu năm 2010; là công trình đường cao tốc đầu tiên được xây dựng bởi công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay.
Dự án cao tốc đầu tiên với công nghệ hiện đại
Trước đây, giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ có con đường độc đạo là quốc lộ (QL) 1A nối với TP.HCM. Tại cửa ngõ phía Tây thành phố, nơi được thi công nút giao Chợ Đệm với đường dẫn vào đường cao tốc là nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông đã làm cho QL1A (ở đoạn này) luôn quá tải và một con đường song song với QL1A như cao tốc Sài Gòn – Trung Lương được hình thành rất có ý nghĩa về mặt kinh tế cũng như giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ở khu vực này. Với công nghệ Novachip, mặt đường được trải thảm bê tông nhựa tạo nhám cùng với những tính năng đặc biệt như: thoát nước tốt, giảm bắn bụi nước, chống trơn trượt, tăng tuổi thọ cho con đường và có thể tăng tốc độ thiết kế lên 120km/h… Đặc biệt là mặt đường thích hợp với thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều tại Việt Nam. Novachip, công nghệ tốt nhất hiện nay đã được phổ biến hơn 10 năm ở Mỹ, cũng như nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Điểm nổi bật của công nghệ này là đem lại sự an toàn rất cao cho các phương tiện tham gia giao thông và nâng cao tuổi thọ cho con đường, giảm đi rất nhiều chi phí bảo dưỡng, mang đến hiệu quả cao và lâu dài.
Một con đường được đầu tư xây dựng theo công nghệ hiện đại như thế tại sao lại liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn (!?). Từ khi thông xe tạm đến nay (3-2-2010), mới gần 2 tháng nhưng đã có hàng trăm vụ tai nạn giao thông, nhiều trường hợp xe bị bể vỏ (hầu hết là xe tải và xe khách). Nguyên nhân được các cơ quan chức năng thống kê cho thấy là do xe chở quá tải, có trường hợp xe có tải trọng 5 tấn nhưng lại chở đến 8 tấn. Do thấy đường tốt, trống nên nhiều tài xế cho xe lao với tốc độ cao, trong khi xe không đạt tiêu chuẩn đi vào đường cao tốc, nên nhiều xe chết máy do bị sôi nước làm mát máy hoặc bể ống nước và hầu hết các xe bị hư hỏng trên đường được ghi nhận là xe quá cũ không đảm bảo an toàn. Cơ quan chức năng cần nghiêm khắc hơn trong công tác kiểm định và chỉ cho những xe đạt tiêu chuẩn đi vào đường cao tốc nhằm hạn chế những vụ tai nạn không đáng xảy ra.
Lưu ý khi đi đường cao tốc
Theo Trung tâm Quản lý đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, tuyến đường cao tốc này được thiết kế cho xe chạy với vận tốc tối đa 120km/h. Nhưng thực tế, nhiều tài xế chạy với tốc độ hơn 120km, thậm chí 150km/h. Do chạy với tốc độ cao, nhiều phương tiện không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên, không đảm bảo an toàn, chở hàng hóa quá tải… nên gặp phải sự cố phải nằm đường. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Quản lý đường cao tốc, từ khi tuyến đường được thông xe kỹ thuật vào ngày 3-2-2010 cho đến nay đã có trên 500 sự cố phải cứu hộ, 2 vụ tai nạn giao thông. Nguyên nhân phổ biến nhất khiến nhiều xe bị chết máy là do bị sôi nước làm mát và bể ống nước. Riêng khúc cua nguy hiểm tại Km 49+800 mà nhiều tài xế gặp phải tai nạn chỉ là một nhánh của nút giao lập thể, nó không thuộc dự án đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương. Đây là đoạn đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, tốc độ cho phép tối đa chỉ là 80km/h. Thế nhưng, nhiều tài xế vẫn chạy xe với tốc độ 120km/h. Để đảm bảo an toàn giao thông khu vực này, trong thời gian tới, trung tâm sẽ lắp đặt gờ giảm tốc, cảnh báo lái xe chú ý giảm tốc độ, tránh nguy hiểm.
Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo: Khi tuổi thọ của lốp xe hết thời hạn thì phải thay cả bộ, dù nhìn thấy nó vẫn còn tốt. Động cơ cũng vậy, nếu xe không được bảo trì tốt mà chạy trên đường cao tốc, sẽ dễ bị nóng máy, dẫn đến chết máy giữa đường. Các tài xế nên đưa xe đi cân bằng động bánh xe, để khi chạy với tốc độ cao như trên đường cao tốc, sẽ không bị rung tay lái, xe không bị sàng trên mặt đường, tạo ma sát lớn, dễ bị xì lốp. Khi bơm bánh xe phải bơm đúng áp lực theo quy định của nhà sản xuất, không bơm quá căng hoặc để bánh xe quá mềm khi đi trên đường cao tốc.
Hà Anh

Vừa qua, đoàn công tác của Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã kiến nghị với Ban quản lý tuyến đường cần phải phối hợp tốt hơn nữa với các địa phương có tuyến đường đi qua, tăng thêm các lực lượng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông… tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý những tài xế chạy quá tốc độ, không để xe hai bánh đi vào tuyến đường, bố trí lại một số biển báo hợp lý hơn… nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông khi tuyến đường chính thức được đưa vào khai thác.

Huỳnh Xuân
 

Bình luận (0)