Hiện nay, nhất là sau dịch Covid-19, nhiều người thường gặp vấn đề về tâm lý. Trong đó, không chỉ có người lớn tuổi mà ngay cả những bạn trẻ cũng mắc phải. Là người từng trải, những bạn trẻ này đã ngồi lại chia sẻ lại cách để tìm lại chính mình trong chuyên đề “Vượt qua trở ngại tâm lý” diễn ra tại Đường sách TP.HCM mới đây.
Trinh, Tiên, Trung, Hiền (từ trái qua) chia sẻ chuyên đề “Vượt qua trở ngại tâm lý” tại Đường sách TP.HCM mới đây
Dũng cảm đối mặt
Chia sẻ tại chuyên đề, bạn Trần Thị Ngọc Hiền (sinh năm 1999, đang làm thiết kế đồ họa tại TP.HCM) cho biết, vốn là một người rất vui vẻ, tràn đầy năng lượng nhưng bỗng một ngày bạn nhận ra mình không còn được như vậy nữa. Lúc đầu, Hiền nghĩ tâm trạng đó chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định, qua ngày hôm sau sẽ hết nhưng không như vậy. Mỗi ngày sau khi thức dậy, Hiền thấy mình ngày càng tồi tệ, chẳng muốn làm việc gì, chỉ muốn ở một mình. “Do áp lực cuộc sống đã đưa em vào trạng thái rối loạn lo âu xã hội. May mắn là em sớm nhận ra và chia sẻ với mọi người. Nhờ vậy em vượt qua, tìm lại chính bản thân”, Hiền nhớ lại.
Theo Hiền, khi rơi vào trạng thái trên, điều quan trọng là bản thân mình phải dũng cảm đối mặt, không nên che giấu hoặc cho đó là chuyện bình thường. Bởi việc né tránh có thể đem lại sự dễ chịu nhất thời nhưng không phải là cách để giải quyết. Tránh tương tác trong một thời gian dài có thể khiến cho việc quay trở lại các hoạt động bình thường ngày càng trở nên khó khăn hơn và trầm trọng. “Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng duy trì kết nối xã hội, đấu tranh với nỗi sợ của mình. Hãy củng cố lòng can đảm để chống lại thứ đang níu bạn lại – thứ ngăn mình đạt được mục tiêu và giấc mơ. Đây là hành trình dài, cần có thời gian. Nếu bản thân thấy không thể làm được hãy sớm tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia để giúp mình”, Hiền chia sẻ với các bạn trẻ.
Với bạn Lương Trọng Hoàng Trung (cùng lĩnh vực Hiền), cho biết, người chị của mình từng mắc chứng bệnh trầm cảm nhưng chị đã dám thừa nhận bản thân có vấn đề. Chị đã tìm cách trút hết những vấn đề tiêu cực ra bên ngoài bằng cách tìm người lắng nghe chị nói. “Do làm thiết kế đồ họa và thường đối diện với laptop em cũng từng bị chứng như trầm cảm. Người chị từng trải qua thấy dấu hiệu của em và giúp em vượt qua. Chúng ta cần nhận ra rằng, chỉ có bản thân mình mới cứu được mình. Mỗi ngày, chúng ta hãy đi một chút sẽ thành công. Không nên che giấu, cố tỏ ra mạnh mẽ. Điều đó chỉ khiến bản thân càng trở nên tồi tệ”, Trung cho biết.
Tìm cách giải tỏa
Bạn Hồ Thủy Tiên (sinh năm 1999, giáo viên dạy vẽ, sống và làm việc tại Hà Nội) cho hay, có thời điểm bạn cảm thấy mình như đang nhúng đầu vào bể bơi, tai ù đặc, lúc nào cũng cảm thấy tù túng nhưng không biết làm cách nào để thoát ra. Dù mỗi ngày đều đi dạy, tiếp xúc với học sinh nhưng Tiên luôn cảm thấy cuộc sống thật vô vị. Tiên mất nhiều thời gian có thể tìm lại chính mình. Cách của Tiên đó là mỗi ngày đều ghi lại nhật ký để so sánh mình hôm nay khác với hôm qua thế nào, tình trạng có tiến triển hơn không. “Em cũng có người chị họ từng rơi vào tình trạng giống em. Chị đã tự vượt qua bằng cách tham gia vào một nhóm có những người cùng chung cảnh ngộ. Họ rất thường xuyên gặp nhau, chia sẻ những điều đang xảy ra với mình. Cứ thế, nhóm bạn này đã giúp chị em vượt qua bản thân. Bằng sự giúp đỡ của chị và những người xung quanh em dần lấy lại cuộc sống của chính mình và nhận ra rằng, mình cần phải dựa vào những người xung quanh mới thoát khỏi vấn đề tâm lý”, Tiên bày tỏ.
Cách vượt qua trở ngại tâm lý tốt nhất là tương tác với xã hội
Còn bạn Phan Hạnh Phương Trinh (làm việc trong lĩnh vực xuất bản ở Đắk Lắk) cho biết, một ngày nọ bạn cũng nhận ra mình đã lạc lối rất xa. Sợi dây liên kết mình với cuộc sống đã quá dài và mỏng dần và dường như chẳng ai còn có thể nghe bạn nói nữa. Đó là cảm nhận của Phương Trinh nhưng thật ra mọi việc xung quanh vẫn diễn ra như thường. Vậy là Phương Trinh bắt đầu dành tình yêu và sự chăm sóc cho cỏ cây. Thay vì sợ hãi dấn thân vào cuộc sống ồn ã, bạn tự tìm về với thiên nhiên, đắm mình dưới ánh nắng mặt trời, hít hà với hơi cỏ. “Làm việc với bản thân luôn là phần quan trọng nhất của chữa lành những vấn đề của tâm lý. Để buông bỏ cảm xúc tiêu cực, em bắt đầu tìm cách “ngoại hóa” chúng bằng cách vẽ tranh, viết truyện chia sẻ. Một ngày em thấy mình được thoát khỏi cảm xúc tiêu cực”, Phương Trinh chia sẻ.
Phương Trinh nhận ra rằng, lặng ngắm thiên nhiên có thể giúp cho mình thoát ra cái “tôi” – phần tử đã tạo nên muôn vàn đau khổ và hệ lụy cho mình. Nếu muốn bay hãy từ bỏ những thứ đang đè nặng mình. Nếu chạy trốn sợ hãi có thể sẽ đưa mình đến con đường tắt mà thôi”, Trinh nói với các bạn trẻ.
Cô đơn, lạc lỏng, không muốn gặp ai, thậm chí tìm đến cái chết để giải thoát là vấn đề đang gặp phải của nhiều người hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người lại không nhận thức được tình trạng tinh thần của mình bởi họ chỉ nghĩ đó chỉ là cảm xúc tạm thời và sẽ vượt qua trong nay, mai. Nhưng thực tế, tình trạng này diễn ra hết ngày này đến ngày khác và càng tồi tệ. Nếu được giải quyết kịp thời, họ sẽ vượt qua và tìm lại chính mình, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Kiều Khánh
Bình luận (0)