Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Xe buýt vẫn còn nhiều bất cập

Tạp Chí Giáo Dục

Các bến xe buýt hiện nay tại TP.HCM đang quá tải nên rất cần quỹ đất để mở rộng, đầu tư. Ảnh: Hà Anh

Tại chương trình “Nói và làm” trong kỳ họp HĐND vừa qua, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo đã nhấn mạnh: “Để vực dậy hoạt động của mạng lưới xe buýt, thành phố (TP) cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp: chính sách đất đai, bến bãi; thay đổi cách tổ chức quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ”.
Cần một mạng lưới xe buýt hoàn thiện
Toàn TP.HCM hiện có gần 3.100 xe buýt nhưng chỉ có 2 nhà ga, rất nhiều tuyến phải dùng lòng đường, lề đường làm chỗ đậu, đỗ xe gây ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Diện tích nhà chờ, chỗ đậu xe buýt vốn đã quá ít, nay còn bị lấn chiếm. TP chưa có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư bến bãi. Phân tích nguyên nhân sâu xa của việc thiếu nhà chờ, trạm dừng, ông Lê Hải Phong, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP cho rằng: “Muốn phát triển mạng lưới xe buýt hoàn thiện cần xây dựng một hệ thống trung chuyển hoàn thiện. Hệ thống đó bao gồm nhà chờ, trạm dừng, các bến đỗ. Nhưng hiện nay, TP chưa có nhiều điểm trung chuyển như vậy. Còn nhiều đầu bến nằm ngoài đường, vỉa hè. Như Khu du lịch Suối Tiên, xe buýt phải đậu ở dốc bên hông khu du lịch cùng với các loại xe liên tỉnh và các phương tiện khác trong khi lượng hành khách rất đông”. Được biết, cách đây 5 năm, TP đã ban hành Quyết định số 83 nhằm khuyến khích đầu tư bến bãi vận tải với nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư. Thế nhưng, đến nay mới chỉ có một bãi đậu xe ra đời và đó lại là bến xe tải chứ không phải là bến bãi dành cho xe buýt. Ông Huỳnh Công Hùng, Phó trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP đặt thẳng vấn đề: “Trong việc đầu tư bến bãi, tại sao doanh nghiệp vận tải nhà nước được giải quyết cho thuê đất còn các hợp tác xã (HTX) vận tải thì không?”. Trả lời vấn đề này, thạc sĩ Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP giải thích, do quy định còn nhiều điều chưa “mở” nên doanh nghiệp chưa tiếp cận được. Mới đây, Sở GTVT cũng có văn bản kiến nghị UBND TP cho phép HTX vận tải hành khách công cộng được thuê đất xây dựng bến bãi như doanh nghiệp nhà nước và TP đã chấp thuận chủ trương này. Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo chất vấn Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP: “Việc quy hoạch bến bãi cho ngành GTVT đã thực hiện như thế nào? Hiện nay, TP chỉ có khoảng 28 hecta diện tích dành cho bến bãi xe buýt, xe liên tỉnh, trong khi theo quy hoạch phải là 140 hecta. Vì sao lại thiếu quá nhiều so với yêu cầu?”. Trả lời câu hỏi trên, ông Hoàng Tùng, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP cho biết: “Việc xác lập diện tích đất dành cho bến bãi giao thông tại từng địa bàn quận huyện theo quy hoạch chung đang gặp rất nhiều khó khăn vì phải có sự thống nhất giữa Sở Quy hoạch – Kiến trúc, UBND các quận – huyện và Sở TN-MT. Để giải quyết vấn đề này phải có sự chỉ đạo tập trung, nhất quán của UBND TP”.
Phải bắt đúng mạch mới trị được bệnh
Để cải thiện hoạt động của xe buýt cần tổ chức lại mạng lưới luồng tuyến một cách khoa học và hợp lý hơn. Như vậy, mới có thể tái cấu trúc mạng lưới xe buýt một cách hiệu quả, giải quyết căn cơ tình trạng trùng lắp tuyến gây lãng phí lớn. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích: “Câu chuyện về nhân sự, mà quan trọng nhất vẫn là đào tạo đội ngũ tài xế – cần phải ưu tiên giải quyết hàng đầu. Tại sao đến nay tỷ lệ người dân TP sử dụng xe buýt không vượt quá ngưỡng 6%, tỷ lệ này giống như thắt nút cổ chai. Vấn đề nằm ở chỗ nào, trong khi nguồn ngân sách hỗ trợ xe buýt mỗi năm mỗi tăng. Theo tôi, phải bắt đúng mạch mới trị được bệnh, phải có giải pháp khoa học, đồng bộ, đúng đắn, có bước đi cụ thể và phải có người chịu trách nhiệm”. Phó giám đốc Sở GTVT Dương Hồng Thanh cũng nhất trí vấn đề quan trọng của việc phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng là nhân sự, trong đó phải tách bạch hoạt động thu – chi. “Chừng nào chúng ta chưa trả người lái xe về đúng vị trí của họ thì vẫn còn tiềm ẩn tai nạn giao thông chừng đó. Tài xế làm sao có thể tập trung lái xe khi phải canh cánh nỗi lo khoán doanh thu?”, ông Thanh đặt vấn đề. Trên thực tế, để đảm bảo thu nhập một số bác tài đã chạy nhanh, dừng, đỗ bắt khách tùy tiện…
Tăng cường chất lượng phục vụ
Bà Phạm Phương Thảo cho rằng, để tìm lối ra cho hoạt động xe buýt tại TP.HCM phải thực hiện 3 nhóm giải pháp lớn. Thứ nhất là phải có cơ chế, chính sách để kêu gọi đầu tư bến bãi, xây dựng trạm trung chuyển, đầu tư xe buýt chất lượng cao, tiện nghi đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân; tiếp tục trợ giá cho hoạt động xe buýt. Thứ hai, trong công tác quản lý cần phải tổ chức, quy hoạch lại luồng tuyến sao cho hợp lý, tránh tình trạng luồng tuyến trùng lắp quá nhiều như hiện nay. Và cuối cùng là tăng cường chất lượng phục vụ bằng cách đào tạo đội ngũ tài xế, tiếp viên xe buýt, nhân rộng mô hình bán vé xe buýt an toàn thuận tiện, tính toán đến việc thu hút lượng hành khách tiềm năng. Bà cũng yêu cầu Sở GTVT xây dựng đề án cải tạo hoạt động của xe buýt tại TP báo cáo UBND TP để UBND TP trình HĐND TP xem xét, quyết định.
Hà Anh Kiệt – Minh Khải

Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Dương Hồng Thanh cho biết, đến năm 2012-2013, vòng đời của 1.318 xe buýt tại TP.HCM sẽ kết thúc. Chúng ta cần thay loại xe có tiêu chuẩn khí thải đạt Euro 3, kích thước xe phải phù hợp với điều kiện đường tại TP. Đề án cũng tính tới việc thay đổi mô hình quản lý, doanh nghiệp nào quản lý yếu kém buộc phải “xem lại mình”. Hiện bến bãi làm chỗ đậu cho xe buýt trên toàn TP chỉ có khoảng 30ha trong khi cần tới 50ha. Sở đang rà soát lại quy hoạch để dành đất cho xe buýt. Đề án cải tổ toàn diện hệ thống xe buýt mà Sở GTVT đang soạn thảo trình UBND TP.HCM dự kiến sẽ thay mới khoảng 1.700 đến 1.800 xe buýt trong thời gian tới. Hy vọng hàng loạt biện pháp của ngành vận tải hành khách công cộng sẽ kéo người dân về với xe buýt.

Như Thủy
 

Bình luận (0)