Tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm tụ họp thành chợ cóc buôn bán trên đường tàu vẫn diễn ra ngang nhiên. Mặc dù trên cung đường sắt miền Trung đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng nhưng nhiều người dân vẫn chưa "sợ".
Họp chợ, buôn bán "đuổi", lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt vẫn đang diễn ra ngang nhiên tại một số đoạn tuyến đường sắt trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Không biết từ bao giờ người dân lại có "thói quen chết người" là tụ tập, buôn bán, họp chợ trên đường sắt. Chúng tôi có mặt tại Km 779+230 (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) trong một buổi sáng nắng gắt. Cảnh người mua, người bán lộn xộn diễn ra ngang nhiên trên đường sắt xem như không có chuyện gì xảy ra.
Có nhiều người đánh đu số phận bằng cách bám các chuyến tàu để buôn bán. |
Mặc dù cách không xa chợ Nam Ô bao nhiêu nhưng người dân vẫn không chịu vào chợ buôn bán. Một người dân cho biết: "Ở đây họ hay họp chợ vào buổi sáng, mặc dù chính quyền đã nhiều lần nhắc nhở và đuổi đi, nhưng khi vắng bóng họ lại tụ tập họp chợ. Có khi nhiều người đang mua bán thì tàu hỏa tới, lúc đó họ ôm thúng, ôm nia chạy toán loạn, rất nguy hiểm. Mặc dù ngắn một đoạn, nhưng vì họp chợ lộn xộn nên nhiều lúc gây ách tắc giao thông một đoạn dài…".
Khi chúng tôi hỏi họp chợ trên đường sắt không sợ hiểm nguy thì đại đa số người dân biện minh rằng họp chợ ở đây đã thành… thói quen; nếu đi họp chợ chỗ khác buôn bán không được. Chẳng may có tàu hỏa chạy tới thì đành phải cùng nhau chạy qua hai bên đường, nhiều lúc vì tránh tàu hỏa mà có người quên cả gánh rau trên đường sắt, rất nguy hiểm cho đoàn tàu.
Nguy hiểm hơn, lợi dụng khi tàu hàng, tàu khách chuẩn bị qua đèo Hải Vân nên chạy chậm, có nhiều người nhảy lên bu bám theo tàu hỏa để ra Lăng Cô mua hàng. Trong một lần chứng kiến cảnh người dân bu bám đoàn tàu, "đánh đu" số phận, chúng tôi không khỏi bàng hoàng với kiểu "liều mạng" như vậy.
Chuyện họp chợ, lấn chiếm hành lang ATGTĐS dù không mới nhưng mức độ nguy hiểm thì ngày càng "nóng". Được biết, thời gian qua, ngành Đường sắt và Ban ATGT TP Đà Nẵng thường xuyên kiểm tra và xóa bỏ các đường ngang không hợp pháp đi qua trên địa bàn.
Theo đó, hiện nay trên tuyến đường sắt Bắc – Nam qua địa bàn TP Đà Nẵng có 32 đường ngang, trong đó có 27 đường ngang có gác chắn, người cảnh báo tàu; 3 đường ngang có cảnh báo tự động và 3 đường ngang có biển báo. Với các đường ngang có gác chắn thì vấn đề an toàn được đảm bảo; song với các đường ngang không có gác chắn mặc dù đã có biển cảnh báo tàu song tai nạn vẫn xảy ra.
Theo Công ty Quản lý Đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng cho biết: Ngành Đường sắt đã tổ chức cho CB, CNV kiểm tra cầu đường, kiểm tra liên ngành các đường ngang trên địa bàn, tổ chức sửa chữa toàn bộ các sai sót trong phạm vi đường ngang cũng như kẻ lại các vạch dừng ở các đường ngang.
Về chiến lược để đảm bảo ATGT trong những năm tới, thực hiện QĐ 1856 của Thủ tướng Chính phủ từ nay đến năm 2020 tiếp tục tổ chức lập lại hành lang ATGT đường sắt và đường bộ trên phạm vi cả nước, trong đó có TP Đà Nẵng. Riêng đối với Đà Nẵng thì đã sửa chữa được 5 đường ngang có gác.
Trong năm 2009 đã điều tra được các vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Dự kiến trong năm 2010 tiếp tục làm một số đường gom, các hàng rào ngăn cách đường sắt với đường bộ… Làm một cầu vượt ở các nút giao thông có phương tiện tham gia đông và từ năm 2011 đến 2020 dự kiến sẽ tiếp tục xây mới các đường ngang, làm cầu vượt ở nút giao thông ngã ba Huế…
Đó là câu chuyện về lâu dài, trước mắt để đảm bảo ATGT, TP Đà Nẵng và các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp họp chợ và lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và duy trì nâng cao ý thức chấp hành Luật ĐS cho người dân. Ngoài ra, cần quan tâm kẻ các vạch báo đường tại các điểm giao nhau giữa đường bộ và đường sắt để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác an toàn tại các vị trí này.
Theo Hòai Thu (CAND Online)
Bình luận (0)