Tiết học môn địa lý, bài 16: “Đặc điểm dân số và phân bố dân cư nước ta” tại lớp 12A1 Trường THPT Phạm Văn Sáng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) diễn ra đầy hào hứng, thú vị. Theo đó, học sinh trong lớp được chia thành 8 nhóm, nghiên cứu 4 phần nội dung của bài học. Sản phẩm của mỗi nhóm là một tờ báo tường được dán ở 8 góc các mô hình phụ họa. “Lớp học được tổ chức thành 2 cụm, mỗi cụm 4 trạm nghiên cứu 4 vấn đề đã giao. Học sinh lần lượt di chuyển qua từng trạm để tham quan, nghe thuyết trình, phỏng vấn, ghi chép. Từ chính hoạt động này, các em sẽ tự lĩnh hội nội dung bài học, giáo viên chỉ tổng kết và định hướng lại”, thầy Lê Thanh Long (giáo viên giảng dạy) chia sẻ.
Học sinh đang thiết kế báo tường phục vụ cho tiết học
Trong tiết học trên, lớp học được thiết kế như một phòng tranh, học sinh vừa vào vai khách tham quan, vừa sắm vai người thuyết minh. Hoạt động chính của bài là tổ chức học sinh tạo sản phẩm và thuyết trình thông qua quá trình làm việc nhóm. Mỗi trạm có thêm các mô hình gắn liền với nội dung bài học được học sinh thiết kế tận dụng từ vật liệu tái chế như que kem, bìa các-tông, ống hút nhựa… Với cách tổ chức học tập theo trạm, kết hợp với việc nghiên cứu bài học thông qua sản phẩm, thầy Long cho hay, khoảng 90% học sinh trong lớp phải chủ động làm việc, từ đó hình thành cho các em kỹ năng tự học, tự nghiên cứu. “Bên cạnh khả năng tự học thì các hoạt động còn trang bị cho học sinh những kỹ năng như thuyết trình, làm việc nhóm, sáng tạo; nhất là để học sinh thấy rằng địa lý không phải là môn học khô khan, cứng nhắc mà là những kiến thức rất thực tế, là những điều hiển hiện xung quanh các em. Từ đó các em thêm yêu, muốn tìm hiểu về quê hương, đất nước mình”, thầy Long nhận định.
Để khai thác triệt để nguồn lợi của vùng trung du miền núi Bắc bộ, nhóm của Khả Nghi đã thiết kế mô hình Nhà máy sản xuất nông nghiệp ở trung du miền núi Bắc bộ. Theo Khả Nghi, đây là mô hình sản xuất nông sản nhằm gia tăng tỷ trọng công nghiệp và cân bằng GDP giữa nông thôn và thành thị. Trong khi đó, nhóm của Đông Giang lại thiết kế mô hình Nhà sàn của một số dân tộc vùng cao, với mong muốn khai thác các mảng văn hóa đời sống của các dân tộc Việt Nam, thuận lợi và khó khăn của vấn đề đông dân, đa văn hóa, hướng đến sự dung hòa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)