Một tuyến xe buýt đi từ Q.1 đến Q.Gò Vấp và Q.12 |
Năm nay, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM tập trung thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đến năm 2025. Phát triển hệ thống công cộng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế xe cá nhân, nguyên nhân chính dẫn đến kẹt xe.
Không phải người dân TP không thích đi xe buýt
Theo số liệu thống kê của Sở GTVT, TP hiện đang quản lý gần 5 triệu xe các loại, chưa kể 1,6 triệu xe từ các tỉnh ra vào TP hàng ngày. Bên cạnh đó, trung bình mỗi ngày có thêm 117 xe ô tô và hơn 1.100 xe máy đăng ký mới. Những con số này cho thấy tình trạng ùn tắc giao thông sẽ khó giảm bớt nếu TP không có một giải pháp hữu hiệu. Trong nhiều cuộc hội thảo về vấn đề này, đa số ý kiến cho rằng, phải giảm bớt xe cá nhân. Giảm bớt ở đây không phải là hạn chế việc đăng ký xe mà là tăng cường hệ thống xe buýt công cộng nhằm thay thế dần thói quen dùng xe cá nhân của đại bộ phận người dân TP. Đã nhiều năm nay TP có nhiều giải pháp, thậm chí bù lỗ nhưng việc phát triển hệ thống xe buýt vẫn còn nhiều hạn chế. Năm 2009, xe buýt chỉ chuyên chở được hơn 481 triệu lượt hành khách, khoảng 7% nhu cầu đi lại. Trong khi đó, Hợp tác xã Vận tải 19/5 cho biết: “Sau khi triển khai thí điểm 4 tuyến xe buýt văn minh đô thị, lượng khách trên mỗi tuyến tăng từ 25 đến 30%. Số vụ hành khách phản ánh giảm 87%”. Những số liệu trên nói lên rằng, không phải hành khách không thích đi xe buýt nhưng việc đi lại này có thật sự mang lại cảm giác thoải mái hay không đó mới là vấn đề quan trọng. Tiếc là trên thực tế, chất lượng phục vụ hành khách xe buýt vẫn còn bị xem nhẹ.
Chấn chỉnh cung cách phục vụ của nhân viên
Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm Hợp tác xã 19/5 thẳng thắn nhìn nhận: “Trước đây, chúng tôi thường phân công xe buýt hoạt động luân chuyển từ tuyến này sang tuyến khác theo tuần hoặc tháng. Việc luân chuyển phương tiện, lái xe, tiếp viên theo hình thức này rất dễ nảy sinh tiêu cực. Nếu làm theo cách này, khi xe hoạt động trên các tuyến có thu nhập thấp (gọi là tuyến nghĩa vụ), tài xế và tiếp viên thường không làm hết trách nhiệm của mình, họ luôn tìm cách né tránh, bỏ chuyến để hạn chế tổn thất và chờ đến kỳ luân chuyển sang tuyến khác tốt hơn mới hoạt động đầy đủ. Điều này làm cho việc điều hành gặp khó khăn, chất lượng phục vụ cũng giảm theo. Qua đó cũng thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và coi thường hành khách”. Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, hạ tầng giao thông của TP chưa thể phát triển kịp với tốc độ phát triển của các phương tiện như hiện nay. Với lượng xe ngày càng tăng nhanh, rất khó để hệ thống đường sá TP đáp ứng được nhu cầu, ít nhất là trong vài năm nữa. Năm 2009, TP dành cho giao thông đô thị khoảng 12.000 tỷ đồng, trong đó hết 8.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Như vậy, số tiền thực sự để xây dựng các tuyến đường chỉ có khoảng 4.000 tỷ đồng. Con số đó chẳng thấm vào đâu so với rất nhiều dự án cần phải có để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.
Vì vậy, việc vận động nhân dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế xe cá nhân có vẻ là giải pháp nhiều triển vọng nhất trong lúc này. Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Phượng cho biết: “Sắp tới sở sẽ tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền giáo dục, cải tiến cung cách phục vụ và tổ chức kiểm tra việc thực hiện của đội ngũ tiếp viên, tài xế trên các tuyến xe buýt. Sở cũng đang hoàn chỉnh đề án chuyển đổi hình thức đi lại của người dân TP trình UBND TP phê duyệt. Ngoài ra, năm nay, TP sẽ phối hợp với một tập đoàn của Pháp để học hỏi kinh nghiệm từ nước bạn, qua đó cải thiện chất lượng phục vụ cho ngành xe buýt TP”. Giám đốc một công ty vận tải hành khách công cộng đã từng nói: “Lâu nay các phương tiện truyền thông có cái nhìn thiếu thiện cảm với xe buýt. Đúng là vẫn có một số đơn vị kinh doanh tốt, tạo uy tín cho khách hàng nhưng số lượng xe buýt phục vụ kém, chạy ẩu gây tai nạn vẫn còn rất nhiều, nếu không muốn nói là chiếm tỷ lệ áp đảo. Thiết nghĩ, để xe buýt thật sự đẹp trong mắt người dân thì chất lượng phục vụ phải được cải thiện. Mà điều này cần có sự phối hợp của ngành giao thông và các đơn vị kinh doanh vận tải”.
Bài, ảnh: Minh Trọng
Bình luận (0)