Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Chợ tự phát trên vỉa hè, lòng đường

Tạp Chí Giáo Dục

Chợ Tân Sơn “án ngữ” hết con đường Phạm Văn Bạch

Hiện nay, ở TP.HCM, xuất hiện rất nhiều khu chợ tự phát: chợ trên cầu, chợ dưới lòng đường… Tại những chợ này, khách dừng xemua hàng lấn chiếm làn đường di chuyển của xe hai bánh gây ùn tắc giao thông. Mặc cho chính quyền TP thường xuyên tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, số chợ tự phát và xe hàng rong 2, 3 bánh không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.
Chợ “hồn nhiên” lấn đường
Trên địa bàn quận Gò Vấp tập trung khá nhiều khu chợ lấn chiếm lòng lề đường. Suốt nhiều năm nay, ngã ba đường Thống Nhất – Phan Văn Trị thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông do chợ họp lấn đường. Năm 2004, chợ Hạnh Thông Tây (cũ) đã được di dời cách đó chừng 1 km, nhưng các tiểu thương buôn bán xung quanh chợ vẫn không chịu di dời làm cho con đường này vốn đã hẹp lại càng hẹp hơn. Đường Phạm Văn Bạch, đoạn giao giữa quận Tân Bình và Gò Vấp, hàng chục năm nay đã được tiểu thương tận dụng để dựng “lều, chỏng, sạp” kinh doanh buôn bán, từ thịt, cá, gà, đến rau thực phẩm các loại. Những loại nước bẩn được tiểu thương đổ hết ra đường, làm cho con đường trở nên nhếch nhác, lầy lội vô cùng.
Tương tự, đường Phạm Văn Chiêu đoạn từ phường 9 đến phường 14, quận Gò Vấp, chỉ dài khoảng 2km, nhưng có đến 3 ngôi chợ lề đường. Tại đây tập trung khá nhiều công ty với lượng công nhân lên đến hàng chục ngàn người. Từ sáng đến tối, chợ luôn tấp nập người mua, kẻ bán. Đặc biệt là vào tầm tan ca, hàng ngàn công nhân “hồn nhiên” dựng xe dưới lòng đường để mua các nhu yếu phẩm, người bán bày hàng la liệt xuống lòng đường, mặc cho dòng xe cộ qua lại phải nhích từng bước một. Các sản phẩm giày, dép, quần áo được đổ tràn lan xuống lòng đường để công nhân tiện ghé vào mua, làm cho cảnh ùn tắc giao thông diễn ra như cơm bữa. Tình hình trên đường Lê Văn Thọ, phường 11, quận Gò Vấp cũng không thua kém, hàng trăm tiểu thương luôn tận dụng vỉa hè, lòng đường để trưng hàng mời khách từ 6h sáng đến 21h tối.
Ngoài chợ tự phát nêu trên, tại TP.HCM còn xuất hiện khá nhiều chợ di động. Những khu chợ này hình thành dọc hai bên đường từ những xe gắn máy chở phía sau giỏ hàng thường là rau củ quả các loại. Nhếch nhác, thiếu vệ sinh, cản trở giao thông và làm mất mỹ quan đô thị là những từ để mô tả kiểu chợ tạm bợ nêu trên. Đa số những người bán hàng rong hay buôn bán ở chợ tự phát chủ yếu là dân tứ xứ tựu về thành phố để mưu sinh. Nhiều người thừa biết việc buôn bán trên lề hoặc dưới lòng đường là vi phạm Luật Giao thông đường bộ và gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh nhưng vẫn bất chấp với lý do: “Bán ở những chỗ này mới đắt khách, ở nơi khác có ai mua đâu. Nếu không bán được hàng biết lấy gì mà sống?”. Ở ngoại thành và quận ven, các chợ tự phát mọc vô tội vạ, cứ hễ nơi nào đông dân cư hoặc gần các khu công nghiệp thì nơi đó có chợ. Các chợ này nằm trên các tuyến giao thông trọng yếu, lưu lượng người và xe tấp nập, đặc biệt các phương tiện giao thông trọng tải lớn thường xuyên qua lại với tốc độ cao nên tiềm ẩn những mối đe dọa về tai nạn giao thông.
Tại cầu Chợ Cầu nằm trên đường Quang Trung giáp ranh giữa quận Gò Vấp và quận 12, luôn “túc trực” cảnh hàng chục người bán gà, vịt, trái cây. Ngôi chợ tự phát trên cầu này kéo dài suốt nhiều năm nay, nhưng chưa thể giải tỏa được vì nằm giáp ranh giữa hai quận. Nếu chính quyền quận này tới dẹp thì các tiểu thương kéo nhau qua bên kia buôn bán và ngược lại.
Cơ quan chức năng cần xử lý mạnh hơn
Được biết, lực lượng thanh tra đô thị các địa phương đã thường xuyên tổ chức giải tỏa các chợ tự phát trên địa bàn nhưng cũng giống như “bắt cóc bỏ dĩa”. Sau những đợt ra quân dọn dẹp lập lại trật tự lòng lề đường, tình trạng buôn bán bát nháo tại các chợ tạm đâu lại vào đấy. Mức xử phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với các hành vi chiếm dụng hè phố, lòng đường gây cản trở giao thông hoặc làm mất mỹ quan đô thị dường như chưa đủ mạnh để răn đe những xe hàng rong, chợ tự phát đang hoạt động la liệt khắp nơi. Có thể, phía sau những gánh hàng rong, những khu chợ lấn chiếm lòng lề đường là hàng loạt cảnh đời nghèo khó khác nhau như nhà có trẻ khuyết tật, con vào đại học… Nhưng không vì thế mà các cơ quan chức năng “nhắm mắt” làm ngơ để họ tiếp tục gây ảnh hưởng đến nếp sống văn minh đô thị của thành phố. Chúng ta còn nhiều cách khác để giúp họ, không thể vì cuộc sống của một bộ phận người dân mà làm ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội. Hiện nay, khi thành phố tập trung toàn bộ nhân lực và tài chính để thực hiện nếp sống văn minh đô thị thì thực trạng hoạt động của những ngôi chợ tự phát nói trên đang trở thành rào cản cho sự phát triển toàn diện của chúng ta. Ngoài những biện pháp mạnh phải thực thi nhằm dẹp bỏ chợ di động, chợ tự phát thì vấn đề quy hoạch chợ truyền thống như thế nào thuận tiện cho cả người mua lẫn người bán là một bài toán khó. Biết rằng là khó nhưng các cấp chính quyền cần giải quyết triệt để nếu muốn chấm dứt hoạt động của các chợ tự phát. Thực hiện được việc này còn góp phần tạo ra cảnh quan đẹp, văn minh ở thành phố được mệnh danh là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu tại Việt Nam.
Minh Trọng – Hà Anh
Điều 14, Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định mức xử phạt các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông đường bộ; phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi: họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ ngoại đô thị.
 

Bình luận (0)