Kẹt xe gây lãng phí thời gian của nhiều người |
Vừa qua, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo “Giải pháp giảm ùn tắc giao thông, kẹt xe trên địa bàn TP.HCM” nhằm đề ra những giải pháp từ việc ứng dụng khoa học công nghệ góp phần làm giảm ùn tắc giao thông và kẹt xe trên địa bàn.
Xe gắn máy là nguyên nhân gây kẹt xe
Hầu hết các ý kiến đóng góp tại hội thảo đã đi sâu vào phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, kẹt xe trên địa bàn TP. Bài tham luận của phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Xuân Mai, công tác tại Khoa Kỹ thuật Giao thông Trường Đại học Bách khoa TP.HCM với tựa đề Những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm ùn tắc giao thông đã chỉ ra thủ phạm gây nên tình trạng ùn tắc giao thông chính là xe gắn máy (chiếm 70% các vụ kẹt xe). Tương đồng với ý kiến của giáo sư Mai, ông Lê Minh Triết, công tác tại Phòng Khai thác hạ tầng giao thông – Sở GTVT cho rằng: “Không chỉ xe hai bánh mà hiện nay, sự gia tăng không ngừng của các loại xe ô tô cá nhân cũng đang từng ngày làm cho tình trạng ùn tắc giao thông thêm phần phức tạp”. Đa phần các đại biểu dự hội thảo đều đồng tình với hướng giải quyết hiện nay là kéo giảm phương tiện giao thông cá nhân và tăng các phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Thạc sĩ Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển đô thị, thuộc Viện Kinh tế TP cho biết: “Việc phát động sử dụng phương tiện giao thông công cộng không nên dùng chỉ tiêu về chỉ số sử dụng đất trên đầu người như hiện nay. Nếu TP muốn mở đường thì mục đích không phải dùng cho xe cá nhân, bởi làm vậy xe cá nhân càng phát triển. Do đó, khi mở đường, chúng ta phải dành cho làn xe buýt là chính. Còn xe cá nhân, chỉ mở 50% phần đường kế bên. Làm như vậy từ bây giờ, chúng ta sẽ phát triển được mạng giao thông công cộng xe buýt càng giãn nở ra, đây cũng là giải pháp góp phần hạn chế xe cá nhân”.
Các giải pháp cần được ứng dụng đồng bộ
Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ – Công an TP.HCM cho biết, TP hiện có 160 điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, và 60 điểm có thể xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. Vì vậy, trong tình hình trước mắt, bên cạnh việc tăng cường xử phạt để làm tăng tính chấp hành Luật Giao thông của người dân, cũng cần tăng cường các hình thức thông báo tình hình giao thông để người dân có thể chủ động chọn hướng giao thông phù hợp, tránh kẹt xe. “Việc ứng dụng camera trong công tác quản lý nhằm nắm bắt nhanh chóng tình hình giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông mà chúng tôi đang thực hiện với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Trung tâm Điều khiển giao thông thuộc Phòng CSGT đường bộ đang phát huy được hiệu quả. Hiện nay, chúng tôi đang trang bị thêm hệ thống radio ở hệ thống xe buýt, các nơi dành cho người dân chờ xe buýt, các chốt CSGT, để khi đứng đợi hay ngồi trên xe buýt, người ta cũng có thể biết được tình hình giao thông trên đoạn đường sắp đi như thế nào”, ông Vân chia sẻ.
Hội thảo đã đặt ra cho TP hàng loạt các giải pháp khả thi. Trong đó, sự đóng góp của khoa học công nghệ chỉ góp một phần giải quyết nạn ùn tắc giao thông, quan trọng hơn cả vẫn là những giải pháp mang tính xã hội. Làm thế nào để vừa đảm bảo được nhu cầu đi lại của người dân, vừa tăng tính hiệu quả trong quản lý về giao thông là một câu hỏi khó! Và chúng ta chỉ có thể giải quyết được nạn ùn tắc giao thông nếu các biện pháp được tiến hành đồng bộ và nhận được sự đồng tình hưởng ứng của người dân.
Bài, ảnh: Minh Trọng
Bình luận (0)