Một công trình trọng điểm của TP.HCM |
Điểm qua hàng loạt các công trình trọng điểm của TP.HCM, chúng tôi thấy có rất nhiều công trình bị chậm tiến độ từ 2-3 năm, thậm chí chậm đến 5 năm đã làm cho chi phí đội lên rất cao, có công trình tăng gấp 2-5 lần dự toán ban đầu. Vậy nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do đâu?
Nhà thầu yếu về tài chính và năng lực
Dự án vệ sinh môi trường nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và Dự án đại lộ Đông – Tây được liệt vào danh sách các công trình “rùa”. Dự án vệ sinh môi trường nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vay vốn ODA của Ngân hàng Thế giới. Đáng lẽ dự án này phải hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2008 nhưng rồi phải kéo dài đến hết năm 2011. Vốn đầu tư ban đầu là 200 triệu USD, đến nay đã lên 320 triệu USD. Nếu hết năm 2011 mà công trình vẫn chưa hoàn thành thì chắc chắn số vốn sẽ không dừng ở con số này. Bên cạnh đó, dù có dự báo nhưng chắc chắn, khi đưa vào khai thác, tình hình thực tế ô nhiễm và môi trường nước sẽ thay đổi. Và lúc đó, chúng ta lại tiếp tục có những dự án khác bổ sung để bảo đảm kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè không bị ô nhiễm.
Theo kế hoạch, Dự án đại lộ Đông – Tây cũng phải hoàn thành vào năm 2008. Nếu hoàn thành cách đây 2 năm thì thành phố đã có đại lộ dài 22 km nối hai đầu cửa ngõ thành phố với hầm Thủ Thiêm. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn còn dang dở. Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thi công là do chủ đầu tư dự án chứ không phụ thuộc vào bất kỳ nguyên nhân khách quan nào hết, kể cả việc giải phóng mặt bằng chậm cũng do chính chủ đầu tư. Nếu giá đền bù phù hợp, bảo đảm người bị giải tỏa có chỗ ở mới và cuộc sống tương đương như trước khi giải tỏa thì người dân sẽ vui vẻ chấp nhận bàn giao mặt bằng. Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến việc cơ quan lập dự án thiếu tầm nhìn. Lấy Dự án đại lộ Đông – Tây làm ví dụ. Dự án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm được Chính phủ phê duyệt từ năm 1996. Song, đến năm 2005, khi khởi công Dự án đại lộ Đông – Tây, các cơ quan chức năng mới nhận thấy đã có sự vênh tuyến đường đi qua khu đô thị này. Tới đây, các đơn vị có liên quan buộc phải điều chỉnh đại lộ Đông – Tây đoạn đi qua quận 2 từ 10 làn xe lên 14 làn xe cho phù hợp với quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm. Chưa kể, ở Dự án đại lộ Đông – Tây, chính sự giám sát thiếu hiệu quả đã dẫn đến hiện tượng nứt các đốt hầm Thủ Thiêm khi còn thi công và hiện nay khi đã dìm xuống dưới đáy sông Sài Gòn còn phát hiện sự thấm làm cho dư luận hoang mang về tính bền vững của công trình. Còn đối với Dự án vệ sinh môi trường nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nguyên nhân chậm tiến độ công trình lại do sự thiếu quyết đoán của chủ đầu tư. Vì sau khi phát hiện nhà thầu yếu về tiềm lực tài chính và tổ chức thi công nhưng các cơ quan chức năng đã không kiên quyết loại bỏ mà lại du di, tiếp tục cho thi công trên cơ sở lời hứa hão huyền của nhà thầu. Ngoài sự chậm tiến độ, chưa ai dám cam đoan bảo đảm chất lượng công trình do nhà thầu này tổ chức thi công.
Gánh chịu hậu quả
Hai dự án đại lộ Đông – Tây và môi trường nước kéo dài tiến độ làm phát sinh 3.600 tỷ đồng thì phía Việt Nam phải chịu đối ứng 1.400 tỷ đồng. Dù cho phía nước ngoài chịu 2.200 tỷ đồng nhưng đây là vốn vay, chúng ta rốt cuộc cũng phải trả. Đó là chưa kể đến các hệ quả khác về kinh tế – xã hội như: Tình trạng ô nhiễm môi trường do kéo dài việc thi công và tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông. Công trình trì trệ, vốn đầu tư tăng vọt đã trở thành chuyện thường xảy ra ở hầu hết các công trình tại TP.HCM. Sự việc đã rõ ràng như vậy, nhưng chưa thấy một cá nhân hay tập thể nào bị xử lý về hậu quả do họ gây ra. Có lẽ do chưa bị chế tài nên điệp khúc “công trình chậm tiến độ, vốn vay đầu tư tăng” như căn bệnh ung thư không có phương thuốc trị.
Hà Anh – Minh Trọng
Bình luận (0)