Hiện nay vẫn còn nhiều người chạy ngược chiều và không đội MBH. Ảnh: Hà Thanh |
Kể từ ngày 20-5-2010, Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành. Nghị định này thay thế cho Nghị định 146/NĐ-CP ngày 14-9-2007. Tuy nhiên, qua tìm hiểu nhiều người tham gia giao thông thì có rất ít người biết được nghị định này, do công tác tuyên truyền có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức. Vì chưa hiểu rõ luật định nên nhiều người cho rằng nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ở nước ta cứ thay đổi xoành xoạch. Hết 152/NĐ-CP đến 146/NĐ-CP và bây giờ là 34/NĐ-CP thì người dân làm sao nắm bắt cho kịp để thực hiện. Điều khiến chúng tôi băn khoăn là một số điều khoản trong Nghị định 34/NĐ-CP mới được ban hành rất khó thực hiện nghiêm được, xin nêu ra một số ví dụ:
* Phạt người đi bộ: Ai cũng biết tình trạng người đi bộ ở nước ta vi phạm Luật Giao thông đường bộ là rất phổ biến. Cứ thấy tiện là họ sang đường mà không quan tâm mình có đi đúng vạch dành cho người đi bộ hay không. Vì vậy, việc xử phạt người đi bộ vi phạm như điều 12, Nghị định 34/2010/NĐ-CP (Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000-120.000 đồng đối với người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ) là rất khó thực hiện. Vấn đề nảy sinh ở đây là: trường hợp đi bộ tập thể dục, không mang theo tiền, giấy tờ tùy thân thì xử phạt thế nào? Thậm chí, dù có mang theo tiền, giấy tờ tùy thân nhưng họ nói không mang thì chẳng lẽ CSGT khám xét hay giữ người. Do đó, lỗi vi phạm này thường dễ bỏ qua, khiến pháp luật ở ta thiếu nghiêm minh. Trong thực tế, có nhiều điểm phân luồng giao thông thiếu vạch kẻ đường cho người đi bộ sang đường. Nhiều tuyến phố, vỉa hè bị chiếm dụng, thậm chí có nơi còn cho đấu thầu để kinh doanh, giữ xe, khiến người đi bộ phải xuống lòng đường, thì xác định lỗi tại ai? Người dân vi phạm quy tắc giao thông hay ngành chức năng chiếm dụng vỉa hè?
* Xử phạt trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm (MBH): tại điểm 1, khoản 3, điều 9 Nghị định 34/2010/NĐ-CP ghi rõ: “Phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với hành vi chở người ngồi trên xe không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách; trừ trường hợp chở trẻ em dưới 6 tuổi”. Để chấp hành quy định này, các bậc phụ huynh khi chở con em dưới 6 tuổi, để chứng minh điều ấy cần phải mang theo giấy khai sinh, nhưng ai cũng biết thực tế rất ít phụ huynh thực hiện được điều này. Còn nếu có mang theo giấy khai sinh nhưng lại không có dán ảnh kèm theo thì CSGT cũng “bó tay”. Điều chúng ta cần hướng tới là làm sao để các bậc phụ huynh tự giác tập cho con em họ thói quen phải đội MBH khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy.
* Xe nhả khói đen khó mà xử phạt: tại điểm c, khoản 4, điều 19 Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 2.000.000-3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định) hoặc có nhưng đã hết hạn (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc)”, nhưng lại không quy định xử phạt người điều khiển ô tô không có bộ phận giảm khói và xả khí thải không đạt tiêu chuẩn quy định. Không ít trường hợp ô tô nhả khói đen ngòm nhưng CSGT cũng đành chịu vì lái xe xuất trình đầy đủ giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định đang còn hạn sử dụng.
Nghị định 34/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ 20-5-2010, nhân dân cả nước rất kỳ vọng vào sự nghiêm minh của pháp luật. Thế nhưng, để giảm thiểu các vụ tai nạn và kiềm chế ùn tắc giao thông, lực lượng CSGT, thanh tra giao thông phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm dù họ là ai, ở cương vị nào và quan trọng hơn cả là người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm quy tắc an toàn giao thông.
Nguyễn Tiến Tỏa
Bình luận (0)