"Khi đống đất đá sạt lở cuối cùng trên đèo được dọn đi, chúng tôi phát khóc khi gặp đoàn người, xe chờ đợi bên kia.Rất may sức khoẻ mọi người đều ổn", Giám đốc Sở Giao thông Lâm Đồng Trương Hữu Hiệp, tường thuật.
Từ chiều hôm qua đến nay, đích thân ông Hiệp chỉ huy đội cứu hộ khẩn trương thu dọn các điểm sạt lở trên đèo Hòn Giao, để tiếp cận với hơn 100 hành khách và xe các loại bị mắc kẹt giữa đèo 3 ngày nay vì đường sạt lở nặng. Nhiều người đói lả vì không có thức ăn đồ uống. Đội cứu hộ nhanh chóng cung cấp lương thực, nước cho toàn bộ người bị kẹt trên đèo và tính phương án đưa xe quay lại Đà Lạt.
Đèo Hòn Giao nằm trên quốc lộ 723 nối hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Ở phía bên kia, đội cứu hộ của tỉnh Khánh Hòa cũng làm việc cật lực để giải tỏa hiện trường sạt lở. Song do điều kiện khó khăn nên đội Khánh Hòa vẫn chưa thể tiếp cận được xe và hành khách kẹt trên đèo Hòn Giao.
Từ hiện trường, liên lạc với PV qua điện thoại, người đứng đầu Sở giao thông Lâm Đồng cho biết ông rất cảm động khi nhìn thấy những gương mặt rạng rỡ của người mắc kẹt trên đèo khi gặp đoàn cứu hộ. "Tôi rất mừng vì sức khỏe của mọi người đều khá tốt sau gần 3 ngày bị cô lập khó khăn như thế này", ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, hiện phải thêm vài giờ nữa để cơ bản dọn dẹp xong các điểm sạt lở trên địa phận tỉnh Lâm Đồng, mới có thể đưa xe và hành khách về lại Đà Lạt.
Đèo Xông Pha từ Ninh Thuận lên Đà Lạt bị nước cuốn, sạt lở, các phương tiện phải tạm dừng để chờ đợi. Ảnh: Sơn Ninh |
Tài xế xe khách bị mắc kẹt vũ Duy Hải chạy tuyến Bảo Lộc – Quảng Ninh kể: do chờ đợi lực lượng cứu hộ của 2 tỉnh Khánh Hòa – Lâm Đồng quá lâu, một số hành khách còn sức khỏe quyết định đi bộ xuống đèo về hướng Khánh Vĩnh để tìm nơi tá túc.
Nhờ vậy, đến sáng sớm hôm nay, người dân sống cạnh đường 723 cách vị trí những chiếc xe mắc kẹt gần 20 km đã nấu cơm đưa tới cho hành khách, bán với giá 30.000 đồng một hộp cơm nên mọi người được cứu đói. Ngoài ra, trong số 300 con lợn trên hai chiếc xe tải bị mắc kẹt có 7 con chết do đói và lạnh, hành khách đã xẻ thịt và tìm cách chế biến thực phẩm cho những người cùng cảnh ngộ.
Sáng nay, một số thân nhân hành khách tại Bảo Lộc nghe thông tin tắc đèo đã dùng xe máy vượt gần 200 km từ Bảo Lộc đến đèo Hòn Giao để chở người thân về nhà. Họ cho biết việc dọn đường phía Lâm Đồng gần xong, nhờ vậy xe 2 bánh đã len lỏi qua được tới nơi để cứu những người đang mắc kẹt.
Từ chiều 2/11, Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng đã huy động các phương tiện giải phóng tuyến đường 732 đoạn đi qua Lâm Đồng. Theo Ban thanh tra giao thông, các điểm sạt lở trên địa bàn Lâm Đồng thuộc địa phận huyện Lạc Dương đều không lớn. Sở giao thông đã đưa máy móc tới các vị trí sạt lở, giải phóng đất đá đủ cho một làn xe qua lại.
Sở cũng lên phương án đưa các xe bị kẹt trên đèo về Đà Lạt tạm nghỉ, huy động xe máy túc trực ở điểm sạt lở. Dự kiến, nếu những xe khách gặp trở ngại tại các điểm sạt lở thì sẽ có sự hỗ trợ của xe máy để chở từng hành khách đến nơi an toàn.
Ngành giao thông Lâm Đồng đang tiếp tục xử lý các điểm sạt lở trên tuyến đường này. Sở Giao thông Lâm Đồng đề nghị các phương tiện không lưu thông bằng đường 723 trong những ngày mưa gió này, vì phần đường địa bàn Khánh Hòa đang tắc nghiêm trọng chưa thể giải phóng xong.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa cho biết, đường 732 Nha Trang – Đà Lạt qua địa bàn tỉnh sạt lở nghiêm trọng, có đoạn dài tới 60 mét với hàng nghìn khối đất đá. Tuy nhận được kêu cứu của những hành khách kẹt trên đèo Hòn Giao, nhưng Khánh Hòa chưa thể tiếp cận được. Lý do, tỉnh lộ 2 từ quốc lộ 1 lên Khánh Vĩnh, Khánh Lê đang trong thời gian thi công nhưng bị lũ cuốn chia cắt, các phương tiện cứu hộ rất khó qua lại.
Quốc Dũng (VnExpress)
Bình luận (0)