Học sinh các trường tiểu học tại TP.HCM tham gia một cuộc thi về an toàn giao thông. Ảnh: Hòa Triều |
Nhằm thực hiện tốt nội dung “Đi học an toàn” trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích (HS) cực”, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có nhiều hoạt động để giáo dục ý thức cho HS khi tham gia giao thông. Giáo Dục TP.HCM vừa có buổi trò chuyện với ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HS-SV xung quanh các hoạt động này.
PV: TP.HCM là một trong những địa phương hoạt động mạnh trong lĩnh vực giáo dục an toàn giao thông (ATGT) cho HS. Vậy trong thời gian qua, Sở GD-ĐT đã triển khai hoạt động này như thế nào?
Ông Trần Khắc Huy: Giáo dục ATGT cho HS được Sở GD-ĐT TP.HCM xác định là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành. Vì vậy, trong thời gian qua, sở luôn luôn đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông cho HS dưới nhiều hình thức như tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh HS khi chở con em trên xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Bên cạnh đó, sở cũng xây dựng các biện pháp kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở ban giám hiệu các trường giáo dục ATGT cho HS để duy trì việc thực hiện trong suốt năm học và hình thành được thói quen thực hiện đúng Luật Giao thông cho HS. Sở đã chỉ đạo cho các đơn vị thường xuyên tuyên truyền, giáo dục HS về ATGT đường bộ trong các tiết sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt lớp. Thực hiện khẩu hiệu trước cổng trường với nội dung “HS phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy”. Yêu cầu phụ huynh ký cam kết không cho con cái điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi quy định và chưa có giấy phép lái xe. Đối với các trường có HS đi học bằng đò, hiệu trưởng phải nhắc nhở các em sử dụng phương tiện phao cứu sinh khi ngồi trên đò và chấp hành nghiêm túc quy định về giao thông đường thủy. Đồng thời, có những biện pháp cụ thể phòng tránh tai nạn giao thông mùa mưa bão để đảm bảo an toàn tính mạng cho HS khi đến trường.
Sở GD-ĐT đã đẩy mạnh công tác giáo dục ATGT cho HS nhưng tình trạng HS vi phạm Luật Giao thông vẫn xảy ra, chẳng hạn như HS đi xe gắn máy phân khối lớn khi chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chở hai chở ba khi ngồi trên xe gắn máy… Theo ông, nguyên nhân từ đâu mà vẫn còn tình trạng này, nhà trường có những biện pháp xử lý gì đối với những em HS vi phạm hay không?
Tôi cho rằng, HS vi phạm Luật Giao thông không phải do chưa biết, chưa hiểu về luật lệ mà là do tâm lý của các em. Ở độ tuổi thanh thiếu niên, các em đang có những phát triển mạnh về tâm sinh lý, kéo theo đó là tâm lý thích khẳng định mình. Vì vậy, mặc dù biết hành vi của mình không đúng với Luật Giao thông nhưng một số em vẫn cố tình vi phạm. Ý thức tham gia giao thông của phụ huynh cũng tác động rất lớn đến các em HS. Nếu phụ huynh chấp hành nghiêm chỉnh để làm gương cho con cái và thường xuyên nhắc nhở các em khi tham gia giao thông thì chắc chắn tình trạng HS vi phạm Luật Giao thông sẽ giảm đáng kể. Đối với những HS đi xe gắn máy phân khối lớn mà chưa có giấy phép lái xe, tôi cho rằng nếu phụ huynh không tạo điều kiện thì các em sẽ không thể có phương tiện mà điều khiển. Do đó, để đảm bảo an toàn cho HS, phụ huynh không nên mua xe gắn máy có phân khối lớn mà hãy cho các em đi xe đạp điện, xe gắn máy dưới 50 phân khối, hoặc đi xe đưa rước HS… Sở cũng đã yêu cầu các trường không nhận giữ xe gắn máy phân khối lớn cho HS chưa có giấy phép lái xe, nếu vi phạm hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm để lưu ý trong toàn ngành.
Đối với những HS vi phạm Luật Giao thông, sở đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ xử lý nghiêm các HS này. Cụ thể, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ chuyển danh sách HS vi phạm qua sở, sở chuyển về nhà trường và yêu cầu nhà trường tiếp tục xử lý. Tùy theo mức độ vi phạm, những HS này sẽ bị kiểm điểm trước lớp, trước toàn thể nhà trường và hạ hạnh kiểm trong tháng hoặc trong từng học kỳ để nhắc nhở các HS khác. Khi xử lý, nhà trường cũng yêu cầu phụ huynh đến ký cam kết không để cho con em mình tiếp tục vi phạm Luật Giao thông.
Được biết, vừa qua Sở GD-ĐT TP.HCM đã ký kết liên tịch với Công an TP.HCM phối hợp thực hiện về công tác an ninh, trật tự trường học giai đoạn 2010-2015. Việc ký kết này có ý nghĩa như thế nào đối trật tự ATGT trước cổng trường?
Nhằm phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, chấn chỉnh tình hình an ninh trật tự trường học, Sở GD-ĐT đã chủ động tổ chức hội nghị ký kết liên tịch với Công an thành phố về quy chế đảm bảo an ninh, trật tự trường học giai đoạn 2010-2015. Đối với công tác về ATGT, việc ký kết này đã giúp giảm thiểu tình trạng buôn bán hàng rong quanh trường học, các băng nhóm thanh niên tập trung trước một số trường nằm trong địa bàn phức tạp, giúp phụ huynh thu xếp chỗ để xe khi đến đón HS… góp phần giảm tải ùn tắc giao thông, tạo sự ổn định, trong sạch, lành mạnh cho môi trường giáo dục.
Xin cảm ơn ông!
DƯƠNG BÌNH
Bình luận (0)