Các xe buýt nối đuôi nhau bắt khách trước Bến xe An Sương, Q.12 |
Từ trước đến nay, việc cạnh tranh về kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định luôn trong tình trạng căng thẳng. Năng lực vận tải đang rơi vào cảnh cung vượt quá nhu cầu đi lại của người dân. Vì vậy, để công tác quản lý vận tải được ổn định, trật tự và an toàn, các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ về điều kiện để tăng phương tiện cũng như bổ sung doanh nghiệp mới vào tuyến vận tải hành khách cố định.
Doanh nghiệp hoang mang khi đầu tư xe
Các quy định về kinh doanh vận tải được Tổ cải cách thủ tục hành chính thực hiện Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ sự bất hợp lý và lãng phí tại Thông tư số 16/2009/TT-BGTVT. Song quy định bất hợp lý này vẫn được giữ nguyên tại Thông tư thay thế số 14/2010/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Cụ thể, Thông tư số 14 quy định về việc mở tuyến vận tải: Doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì được đăng kí mở tuyến mới. Hồ sơ đăng ký mở tuyến cũng được hướng dẫn một cách cụ thể tại thông tư này. Như vậy, DN khi muốn đăng ký chạy tuyến vận tải hành khách cố định phải xin cấp phép. Những DN, HTX kinh doanh vận tải có thể được chấp thuận cấp phép cho chạy nhưng cũng có thể bị từ chối, không cấp phép và sẽ không được chạy. Trước khi muốn biết mình có được hay không được cấp phép, DN phải đầu tư mua sắm phương tiện, đăng ký, đăng kiểm phương tiện, gắn thiết bị giám sát hành trình, nộp toàn bộ các hồ sơ này của xe cho cơ quan quản lý. Tức là DN phải đầu tư xe trước rồi mới đi làm thủ tục cấp phép. Đặt trường hợp, nếu tổ chức kinh doanh vận tải đầu tư xe nhưng vẫn bị từ chối không cấp phép cho chạy xe trên tuyến hoàn toàn nằm ngoài quyền chủ động kinh doanh của DN. Trong khi đó, DN, HTX đã có giấy phép kinh doanh vận tải, có văn bản quy phạm pháp luật quy định được tham gia tuyến vận tải khách cố định, có văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn của phương tiện được tham gia tuyến vận tải khách cố định thì cơ quan quản lý tuyến chỉ nên căn cứ vào nhu cầu vận tải hành khách trên tuyến để xác định cấp hạn mức vận tải cho DN muốn tham gia là đủ. Như vậy, quy định phải có xe trước, việc cấp phép xem xét sau là rất bất hợp lý và gây lãng phí.
Khó quản lý các tuyến vận tải liên tỉnh
Thông tư 14/2010/TT-BGTVT cũng quy định rõ trách nhiệm của Sở GTVT. Ngoài việc quản lý hoạt động vận tải đường bộ trong phạm vi địa phương, đơn vị này còn phải trực tiếp quản lý các tuyến vận tải khách liên tỉnh có cự ly từ 1.000km trở xuống. Thực tế, để đạt được tuyến đường bộ 1.000km trở xuống, xe phải chạy qua địa phận của khoảng 10 tỉnh, thành phố. Sở GTVT khó có thể quản lý tuyến vận tải dài đến thế. Tình hình luồng tuyến vận tải đường bộ hiện nay rất phức tạp, chồng chéo cho nên cần phải có một cơ quan có chức năng quản lý giao thông vận tải trên phạm vi quốc gia công bố, quản lý tổng thể một cách mạch lạc, khoa học để lập lại trật tự luồng tuyến hiện nay. Một bất hợp lý kế tiếp của Thông tư 14 là không làm rõ khái niệm và không định lượng rõ như thế nào là “hành trình trùng”: độ dài ngắn, điểm vận chuyển, điểm dừng đỗ… Thông tư cũng không định lượng rõ “trùng trên 70%” cụ thể là như thế nào?
Bài, ảnh: H.A
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa qua có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, đề nghị giao lại cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm công bố các tuyến vận tải khách liên tỉnh, chỉ nên quy định Sở GTVT chịu trách nhiệm đối với các tuyến vận tải đường bộ nội tỉnh và liền kề. |
Bình luận (0)