Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đầu năm 2011: Cấp giấy phép lái xe mới theo mẫu quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Giấy phép lái xe hiện nay sẽ được đổi mới vào đầu năm 2011

Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện một số công đoạn cho việc triển khai thực hiện cấp giấy phép lái xe (GPLX) theo mẫu mới với nhiều ưu điểm vượt trội như: tính bảo mật cao, nhỏ, gọn, tiện lợi… Việc đổi mới GPLX này là để phù hợp với Luật Giao thông đường bộ đã sửa chữa bổ sung vào năm 2008 và Hiệp định công nhận GPLX giữa các nước ASEAN vừa được ký kết.
Đáp ứng nhu cầu hội nhập
Theo Vụ Quản lý phương tiện người lái – Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong quý I/2011 sẽ chính thức triển khai việc cấp GPLX theo mẫu mới. Đến nay, bộ thiết bị in GPLX đã được chuyển giao cho 63 tỉnh, thành. Mỗi địa phương 1 bộ, riêng Hà Nội và TP.HCM được trang bị 2 bộ. Để có thể chính thức triển khai việc cấp GPLX theo mẫu mới thì cần phải trải qua một số công đoạn cụ thể như: hoàn thiện phần mềm, xây dựng biểu lệ phí mới, tổ chức tập huấn… Hiện nay, dự án hoàn thiện phần mềm đang chờ được cấp vốn. Được biết, mẫu GPLX và hệ thống quản lý GPLX đến giai đoạn này đã được Bộ GTVT quy định từ năm 1996 trước yêu cầu quản lý khi số lượng GPLX tăng cao và yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng. Hiện tại, GPLX của Việt Nam có chất liệu được làm bằng giấy bìa, độ bền thấp, dễ bị hư hỏng do ẩm mốc, nhàu nát và kích cỡ cũng chưa phù hợp với thực tế sử dụng. Bên cạnh đó, các thông tin ghi trên GPLX chỉ có tiếng Việt và còn thiếu nhiều thông tin cần thiết, nội dung cũng chưa phù hợp với Luật Giao thông đường bộ đã được sửa chữa, bổ sung vào năm 2008. Các yếu tố bảo mật còn thiếu, công nghệ in đơn giản nên khả năng làm giả rất cao. Thời gian gần đây Chính phủ Việt Nam cũng vừa kí kết Hiệp định công nhận GPLX do các nước ASEAN cấp. Cho nên, việc quản lý như hiện nay không thuận lợi trong quá trình hòa nhập với các nước trong khu vực.
Dễ phát hiện khi bị làm giả
Mẫu GPLX mới có nhiều đặc điểm và tính ưu việt so với mẫu GPLX hiện nay. Phôi thẻ được thiết kế tinh xảo, có tính bảo mật cao và được quản lý chặt chẽ khi cấp phát, thu hồi để tránh nạn làm GPLX giả. Mẫu mới có tính bảo mật rất cao với 3 cấp độ khác nhau, gồm: cấp độ 1, mắt thường có thể nhận thấy; cấp độ 2, qua công cụ, máy móc để phát hiện; cấp độ 3, chỉ có các nhà chuyên môn mới phát hiện được. Do có tính bảo mật cao nên việc cấp đổi GPLX theo mẫu mới sẽ hạn chế được tình trạng GPLX giả hoặc giải quyết tình trạng một người có thể có nhiều GPLX. Song song đó, GPLX mới còn tạo điều kiện cho việc hội nhập quốc tế tốt hơn khi người lái xe vì được sử dụng cả song ngữ (Việt – Anh) trên GPLX. Việc quản lý theo công nghệ mới cũng sẽ cho phép có một cơ sở dữ liệu thống nhất trong cả nước để các cơ quan chức năng và địa phương tiện tra cứu, xác minh thông tin cần thiết.
Mức lệ phí cho việc cấp GPLX mới đang được Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng và sẽ có báo cáo với Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét quyết định. Một cán bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng quá tải khi chính thức triển khai cấp GPLX theo mẫu mới, vì việc chuyển đổi này không diễn ra đồng loạt mà theo một lộ trình thích hợp. Theo đó, bước đầu sẽ chuyển đổi ngay cho các trường hợp cấp mới hoặc các GPLX đã hết hạn. Các trường hợp khác có thể chuyển đổi ngay hoặc không là do nhu cầu chứ không bắt buộc và được đổi sang GPLX mẫu mới khi đến kì hạn đổi GPLX.
Bài, ảnh: Hà Anh

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay, số lượng GPLX mô tô – xe gắn máy chiếm phần lớn trong khi loại GPLX này không có thời hạn nên vẫn tiếp tục sử dụng, việc chuyển đổi chỉ thực hiện khi người sử dụng có nhu cầu. Hơn nữa tốc độ in đạt 120 GPLX/giờ ở các địa phương hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đối với các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, nếu cần thì địa phương có thể đầu tư thêm thiết bị.

 

Bình luận (0)