Đại lộ Đông Tây – một trong những dự án ODA nay đã hoàn thành |
Trong thời gian qua, công tác giải ngân nguồn vốn ODA của ngành GTVT đã có nhiều bước đột phá, mang lại hiệu quả đầu tư rõ rệt đối với sự phát triển hạ tầng GTVT. Tính đến hết tháng 11-2010, các chủ đầu tư của 38 dự án sử dụng vốn nước ngoài thực hiện được 7.492 tỷ đồng, đạt 245,8% kế hoạch và tăng tới 111,1% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân 5.838,6 tỷ đồng, đạt 191,6% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước tăng 36%.
ODA là nguồn vốn chủ lực của các dự án giao thông
Trong năm 2010, hầu hết các nguồn vốn ODA đều dành cho xây dựng cơ bản về giao thông. Đây là nguồn vốn ổn định, đáp ứng được nhu cầu thực hiện và giải ngân của các nhà thầu. Theo đánh giá của Bộ GTVT, trong năm 2010, không có dự án ODA bị đình trệ do thiếu vốn. Đây chính là điểm mấu chốt để các nhà thầu tăng tốc thi công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Thực tế đã chứng minh, năm 2010 là năm đột phá thực sự trong công tác giải ngân các dự án ODA của ngành GTVT. Khác với mọi năm, việc giải ngân vốn đối ứng cho công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án ODA đã có sự cải thiện rõ rệt. Kết quả thực hiện trong 11 tháng lên tới 2.412,1 tỷ đồng, đạt 114,1% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước tăng 86,3%; giải ngân 1.742,1 tỷ đồng, đạt 82,4% kế hoạch và tăng 38%, so với cùng kỳ năm trước. Với vốn đối ứng ODA, kết quả giải ngân sẽ còn cao hơn nhiều nếu Chính phủ và các bộ, ngành bố trí kịp và đủ vốn cho các dự án. Năm 2010, kế hoạch chỉ ghi khoảng 2.000 tỷ đồng vốn đối ứng ODA cho ngành GTVT, trong khi nhu cầu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án trọng điểm rất cao.
Sẽ xây dựng chương trình đồng bộ
Theo nhận xét của Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong hai thập kỷ qua, ODA cùng với các nguồn vốn khác huy động từ bên ngoài, kết hợp chặt chẽ với các nguồn lực trong nước đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Để có thể đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, trong kế hoạch phát triển 5 năm tới, ngành GTVT cần tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị, phải huy động nhiều nguồn vốn tăng bình quân trên 16%/năm. Do đó, việc đảm bảo nguồn vốn ODA ổn định là cơ hội tốt cho các dự án giao thông. Để cải thiện và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, thời gian qua, Bộ GTVT cũng có rất nhiều giải pháp tích cực. Trong đó phải kể tới việc tăng cường vai trò làm chủ và sự phối hợp có hiệu quả các nguồn vốn ODA để phát triển ngành. Hàng năm, Bộ GTVT thường xuyên tổ chức 2 cuộc hội thảo tham vấn với sự tham gia tích cực của các nhà tài trợ để thảo luận về việc huy động và sử dụng ODA giữa các đối tác phát triển để tránh trùng lặp, đặc biệt liên quan tới hỗ trợ kỹ thuật. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng nỗ lực thực hiện hài hòa quy trình và thủ tục với các nhà tài trợ trong chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu và tái định cư tại các dự án giao thông.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ xây dựng một chương trình đồng bộ để tăng cường năng lực cho các cơ quan Trung ương và các tỉnh về quản lý, thực hiện các chương trình, dự án ODA khắc phục sự biến động của đội ngũ cán bộ thường xảy ra trong thực tế. Đồng thời, bộ cũng đang xây dựng kế hoạch, giới thiệu, phổ biến về các kênh tín dụng phát triển mới, kể cả với OCR và IBRD.
Bài, ảnh: H.A
Bình luận (0)