Đường phố Việt Nam cũng cần phát triển mạnh giao thông công cộng. Ảnh: I.T
|
Để giải quyết nạn ùn tắc giao thông, nhiều quốc gia trên thế giới đã chọn giải pháp tối ưu nhất tính đến giai đoạn hiện nay là phải phát triển được một hệ thống giao thông công cộng (GTCC) phù hợp cho mỗi thành phố… Và từ đó, hạn chế dần xe cá nhân.
Đoạn kết cho thời hoàng kim của xe cá nhân
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) của Pháp tuyên bố “vị trí thượng phong của xe hơi sắp kết thúc” và thời hoàng kim của GTCC đã bắt đầu. Theo thống kê, tỷ lệ người sử dụng xe hơi cá nhân hiện nay ở Pháp cao đến 83% nhưng đang có xu hướng giảm dần. Song song đó, các phương tiện GTCC tăng đều hàng năm từ 5-6%. Vận chuyển công cộng ngày càng trở nên thu hút nhờ dịch vụ luôn được cải thiện và giá cả hấp dẫn. Chính sách ưu tiên và ưu đãi của các cấp chính quyền địa phương đã góp phần mở rộng hệ thống các phương tiện GTCC trên toàn quốc. Doanh nghiệp vận tải công cộng được tạo điều kiện phát triển và có thế đứng vững trong đời sống của cư dân thành thị. Sự phát triển GTCC còn là thành quả của việc cải thiện các dịch vụ. Bởi để người dân sẵn sàng chuyển từ xe riêng sang phương tiện giao thông tập thể, các nhà cung cấp dịch vụ đã phải đảm bảo được 3 tiêu chí sau đây: nhanh chóng, đúng giờ và tần suất hoạt động cao. Trong số những cách thức di chuyển mới tại Pháp, xe đạp vừa được nâng cấp thành phương tiện công cộng qua thành công của dự án Vélib (cho thuê xe đạp). Việc thay thế xe hơi cá nhân bằng các phương tiện giao thông khác là xu hướng cơ bản tất yếu giúp kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Sự chuyển động này cũng đã khởi đầu cho trào lưu mới trong việc phát triển hình thức GTCC tại nhiều nước châu Âu như: Anh, Ý và Đức, với những nhịp điệu khác nhau.
GTCC đóng vai trò chủ đạo
Tương tự châu Âu, tình hình trật tự ATGT một số nước ở châu Á cũng được đánh giá tốt. Cụ thể, nhiều người khi đến Singapore đều trầm trồ khen ngợi tình hình giao thông tại đây. Bởi tại đất nước này rất hiếm khi xảy ra tình trạng kẹt xe. Được biết, biện pháp mà Singapore sử dụng nhằm cải thiện hệ thống giao thông chính là hạn chế xe cá nhân. Biện pháp này cũng được áp dụng tại Hồng Kông và Tokyo sau đó không lâu. Các chuyên gia đã đúc kết được 3 nguyên nhân chính khiến Singapore ít kẹt xe. Thứ nhất, GTCC phát triển, đúng giờ và giá rẻ. Các phương tiện GTCC có mặt ở hầu khắp các khu dân cư với chi phí đi lại rẻ nhất khoảng 3.000 VNĐ. Theo đó, nếu đi hết đảo quốc sư tử, khách chỉ tốn 20.000 VNĐ. Thứ hai, Chính phủ khống chế nghiêm ngặt việc sử dụng xe cá nhân. Singapore thu thuế xe hơi khá cao. Giá xe hơi tại Singapore cao hơn tại Mỹ từ 2 đến 3 lần. Ngoài ra, mỗi người phải mua một giấy chứng nhận sử dụng (khoảng hơn 200 triệu VNĐ) mới được lái xe ra đường. Đồng thời, Singapore không ngừng áp dụng biện pháp quản lý tình hình giao thông trên cả nước với hệ thống máy móc, kỹ thuật tiên tiến. Từ năm 1997, Singapore đã thực thi biện pháp thu phí trong giờ cao điểm. Xe vào thành phố trong thời điểm này phải đóng phí tương đương từ 2.000-4.000 VNĐ. Mỗi xe được cấp một thẻ thanh toán tựa như thẻ tín dụng và có máy tự động khấu trừ.
Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, chính quyền Trung Quốc đã tổ chức tuần lễ hoạt động “Ngày không có xe” từ 16 đến 22-9 hàng năm nhân “Ngày thế giới không có xe” (22-9). Trong những ngày này, phương tiện GTCC đóng vai trò chủ đạo. Các thành phố chỉ cho phép người đi bộ, xe đạp, phương tiện GTCC và taxi lưu thông. Nếu thực hiện một “Ngày không có xe”, Trung Quốc tiết kiệm được 33 triệu lít xăng dầu, giảm 3.000 tấn khí thải, hàng trăm người tránh được sự cố giao thông. Bộ Kiến thiết Trung Quốc mong muốn trong tương lai, phương tiện GTCC sẽ tăng từ 20 lên 50%, cơ sở vật chất và dịch vụ GTCC sẽ được cải thiện.
N.H
(theo France và Xinhua)
Bình luận (0)