Một buổi sinh hoạt chuyên đề ATGT tại Trường THPT Bùi Thị Xuân
|
Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông (UBATGT) quốc gia, năm 2010 cả nước xảy ra 14.442 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 11.449 người chết, 10.633 người bị thương. Đó là chưa kể những thiệt hại về tinh thần và tài sản của con người. Cũng theo số liệu thống kê, mỗi ngày cả nước có 31 người chết và bị thương, gần nửa con số đó là thanh thiếu niên, là nạn nhân hoặc là thủ phạm gây ra TNGT.
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy luôn là đối tượng chính gây ra TNGT. Năm 2010, số vụ TNGT xảy ra do xe mô tô, gắn máy chiếm hơn 70%. Điều đặc biệt là độ tuổi vi phạm chiếm đa số là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhiều vụ TNGT chỉ xuất phát từ những vi phạm nhỏ như: va quẹt, không nhường đường cho nhau…
Tại nước ta, do ý thức của người tham gia giao thông quá kém nên thường dẫn đến một số vi phạm phổ biến như: xe mô tô, xe gắn máy lấn tuyến; dừng, đậu xe tùy tiện dưới lòng đường; đi xe lên lề đường; chạy xe vào đường ngược chiều; vượt đèn đỏ…
Bắt đầu từ gia đình – nhà trường
Trong mỗi gia đình, cha mẹ cần làm gương cho con cái trong việc rèn luyện nhân cách, trong cách ứng xử với mọi người thông qua những hành động cụ thể như: tôn trọng pháp luật; không nói tục, chửi thề; luôn kính trên nhường dưới, biết quan tâm tới người khác, bỏ rác đúng nơi quy định… để dần hình thành được những thói quen tốt, ý thức tự giác và lối sống có trách nhiệm nơi con cái. Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên cho con là học sinh đi xe máy phân khối lớn nhằm giúp giảm hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đua xe ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Về phần mình, nhà trường cần xây dựng văn hóa giao thông rộng khắp nhằm tạo bước tiến mới về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT ở lứa tuổi học sinh. Có thể nói, việc lấy chủ đề năm học này là “Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông vì sự an toàn của cộng đồng và trật tự văn minh đô thị” của Sở GD-ĐT với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với đặc trưng của từng đơn vị trực thuộc đã tạo ra hứng thú, nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho học sinh, sinh viên. Ở cấp lớp mẫu giáo, tiểu học thì thực hiện lồng ghép tuyên truyền giáo dục trật tự ATGT vào chương trình học, tổ chức các sinh hoạt phong phú. Đối với học sinh ở độ tuổi thanh thiếu niên, thông qua những hoạt động tuyên truyền, các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông, tổ chức Đoàn – Đội đã thu hút sự quan tâm của bạn trẻ.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP.HCM còn yêu cầu giáo viên thực hiện giảng dạy lồng ghép trật tự ATGT theo chủ điểm của từng tháng nhưng chủ yếu tập trung vào tháng 9 là Tháng ATGT với các hình thức: làm khẩu hiệu, vẽ tranh cổ động… Phối hợp với Đoàn – Đội tổ chức hội thi tuyên truyền trật tự ATGT dưới dạng sân khấu hóa… Các khối lớp 6, 7, 8, giáo viên giảng dạy lồng ghép giáo dục trật tự ATGT trong bài “Thực hiện trật tự ATGT” – lớp 6 và tiết dạy các vấn đề địa phương. Các khối lớp 9, 10, 11, 12, giáo viên thực hiện 1 tiết dạy giáo dục trật tự ATGT trong tuần đầu tiên của năm học với nội dung tìm hiểu 3 loại biển báo cấm và các điều 8, 9, 10, 11, 30, 31, 32 Luật Giao thông đường bộ sửa chữa bổ sung năm 2008.
Nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc chăm lo giáo dục toàn diện những công dân trẻ của đất nước, nhiều trường THPT trong các buổi sinh hoạt chuyên đề ATGT đã tạo mọi điều kiện giúp các em học sinh tìm hiểu thêm về Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 34/2010 NĐ-CP. Riêng chương trình học “Công dân với pháp luật” của môn GDCD khối 12, giáo viên các trường thường thông qua những tình huống thực tế là các vi phạm trật tự ATGT, giúp học sinh thảo luận, giải quyết tình huống, tìm hiểu các văn bản luật hiện hành, để giáo dục các em ý thức tôn trọng pháp luật.
Và vai trò của xã hội
Bên cạnh đó, muốn nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, các lực lượng chức năng cần xây dựng văn hóa giao thông cho người dân với nhiều giải pháp thiết thực như: tập trung xây dựng các công trình hạ tầng giao thông thiết yếu để cải thiện tình hình quá tải gây ra ùn tắc giao thông. Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong ứng xử cho người tham gia giao thông: Không chen lấn, biết nhường nhịn, cư xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm, biết coi trọng tính mạng và sức khỏe của người khác… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT có thể xảy ra. Thông qua báo chí, các hoạt động văn hóa, các chương trình truyền hình để giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông và vận động người dân loại bỏ những thói quen đối phó với lực lượng chức năng như: không tự giác tuân thủ luật khi vắng bóng cảnh sát giao thông, bắt chước người khác chạy xe lên lề đường, chạy xe vào đường cấm…
Song song đó, các sở, ban, ngành cũng nên thường xuyên tuyên truyền pháp luật giao thông ở đường phố, nơi công cộng bằng các bích chương tuyên truyền, những hình ảnh TNGT gây chết người… Tăng hiệu lực của pháp luật bằng cách nghiêm trị các vi phạm trật tự ATGT do cố ý hoặc gây nguy hiểm cao như nạn rải đinh, đua xe trái phép. Tăng thẩm quyền xử phạt của thanh tra giao thông; tăng cường công an giao thông và lực lượng điều khiển giao thông vào giờ cao điểm…
VŨ THỊ BÍCH THÚY
(Trường THPT Bùi Thị Xuân)
Bình luận (0)